April 18, 2022 | 10:00 GMT+7

Ngành gỗ tăng trưởng chậm lại dù đã kín đơn hàng

Chu Khôi -

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chi phí logistics tăng cao, những biến động về chính trị thế giới gần đây đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và nguồn nguyên liệu gỗ. Vì những nguyên nhân này mà tăng trưởng của ngành gỗ trong năm 2022 có nguy cơ “chững lại” cho dù các doanh nghiệp đều đã kín đơn hàng đến hết quý 3, thậm chí là cả năm...

Sản xuất đồ gỗ gặp khó do giá gỗ nguyên liệu tăng.
Sản xuất đồ gỗ gặp khó do giá gỗ nguyên liệu tăng.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 3/2022 đạt 1,5 tỷ USD; trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,12 tỷ USD, giảm 5,9% so với tháng 3/2021.

Lũy kế quý 1/2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,94 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 2,97 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

CƠ HỘI GIA TĂNG THỊ PHẦN VÀO EU

Tháng 3/2022 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường EU đạt 71,3 triệu USD, tăng 0,4% so với tháng 3/2021. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3/2022, xuất khẩu sản phẩm gỗ tới thị trường EU ước đạt 198,6 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngành gỗ tăng trưởng chậm lại dù đã kín đơn hàng - Ảnh 1

Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, Đức luôn là thị trường chính của Việt Nam trong khối EU. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Đức đạt 27 triệu USD, tăng 5,5%; tiếp theo là thị trường Pháp đạt 23,6 triệu USD, giảm 1%; Hà Lan đạt 19,4 triệu USD, tăng 12,2%.

Đáng chú ý, đối với thị trường Bỉ, mặc dù kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 13 triệu USD nhưng lại có tốc độ tăng trưởng cao, tới 40,4% và chiếm tỷ trọng 10,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU.

 

Xét về các nhóm sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu, các mặt hàng đồ gỗ ngoài trời, bàn ghế, đồ gỗ văn phòng, đồ gỗ phòng khách, đồ gỗ mỹ nghệ đều suy giảm. Trong đó, nhóm mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 499,5 triệu USD trong 3 tháng đầu năm 2022, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, riêng xuất khẩu đồ gỗ nội thất phòng ngủ vẫn đạt 578 triệu USD trong quý 1, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2021.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, đồ nội thất phòng ngủ xuất khẩu chủ yếu tới thị trường Hoa Kỳ. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2022 đạt 286,9 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 81,2% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất phòng ngủ.

Ngoài ra, mặt hàng này còn xuất khẩu tới các thị trường khác như Nhật Bản, Canada, Anh, Hàn Quốc và EU, nhưng kim ngạch chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.

Theo nhận định của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ sẽ có nhiều cơ hội để gia tăng thị phần tại EU trong thời gian tới.

Trước tiên là cơ hội mang lại khi Trung Quốc (quốc gia đứng đầu về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU) vẫn đang thực hiện chính sách “Zero Covid”, theo đó nước này đang áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, nên hoạt động sản xuất và xuất khẩu của nước này bị gián đoạn.

Tiếp theo, các nhà chế biến gỗ của EU đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu gỗ từ Nga do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, dẫn đến sức cạnh tranh giảm sút đáng kể, đây là cơ hội cho doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam tăng tốc vào thị trường này.

Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) đang tác động rất thuận lợi cho ngành gỗ Việt Nam, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm ngành gỗ khi mức thuế giảm dần về bằng 0%; đồng thời, tạo lực hút đầu tư từ khu vực EU vào Việt Nam.

Riêng đối với thị trường Bỉ, với hệ thống giao thông, cầu cảng hiện đại cùng vị trí thuận lợi, Bỉ được coi là cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực EU.

Vì vậy, nhu cầu nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (đặc biệt là nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ) của Bỉ cũng rất lớn, vừa nhập khẩu tiêu thụ trong nước vừa tái xuất. Do đó, Bỉ là thị trường rất tiềm năng để các doanh nghiệp ngành gỗ đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Mặc dù có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU, nhưng do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, cộng thêm những biến động về chính trị thế giới thời gian gần đây cũng đang ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, nguồn cung nguyên liệu và chi phí logistics. Điều này sẽ làm cản đà tăng trưởng của ngành gỗ sang thị trường EU trong thời gian tới.

ĐƠN HÀNG ĐÃ KÝ NHƯNG BÍ NGUỒN NGUYÊN LIỆU

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, cho biết sự sụt giảm xuất khẩu đồ gỗ không phải là do thị trường tiêu thụ khó khăn; trái lại, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ đã nhận được kín đơn đặt hàng đến quý 3/2022, thậm chí hết năm.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã sản xuất cầm chừng, chậm giao hàng, vì giá gỗ nguyên liệu từ đầu năm đến nay tăng rất mạnh, trong khi các hợp đồng đầu ra đã ký kết đều đã chốt giá bán.

Giá vận chuyển tàu biển vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn leo thang do khủng hoảng bởi xung đột giữa Nga và Ukraine. Với tình hình hiện nay, nếu sản xuất và giao hàng theo đúng hợp đồng đã ký kết, nhiều doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ. Vấn đề này khiến các doanh nghiệp phải tính toán lại.

Làm rõ hơn về vấn đề nguyên liệu, lãnh đạo Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong quý 1/2022, nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam đạt 1,204 triệu m3, trị giá 453,4 triệu USD, giảm 33,6% về lượng và giảm 17,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam trong thời gian tới được dự báo sẽ giảm do nguồn cung hạn chế, chi phí logistics tăng cao.

 

Điều đáng lo ngại là xuất khẩu gỗ nguyên liệu trong 3 tháng đầu năm lại tăng đột biến, trong đó, riêng xuất khẩu ván ép và ván sàn lên tới 320,6 triệu USD, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2021. Vì vậy, càng khiến tình trạng thiếu gỗ nguyên liệu trở nên căng thẳng hơn, đẩy giá gỗ nguyên liệu lên cao hơn, gây sức ép khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ.

Hiện nay, lượng gỗ rừng trồng trong nước đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề mà các doanh nghiệp gỗ gặp phải là chất lượng cũng như lượng gỗ có chứng chỉ còn nhỏ. Do đó, chưa tận dụng tối đa giá trị gia tăng từ nguồn nguyên liệu trong nước.

Trước thực tế này, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ đưa ra các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích việc trồng rừng gỗ lớn. Các cơ chế, chính sách cần tập trung vào tạo môi trường nhằm thu hút doanh nghiệp chế biến vào đầu tư tại các vùng nguyên liệu rừng trồng.

Đồng thời, cần thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ trồng rừng nhằm tạo nguồn gỗ lớn có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu.

Trong ngắn hạn hiện nay, do xung đột Nga – Ukraine nên khối EU tạm ngừng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ Nga và Belarus. Để đảm bảo nguyên liệu gỗ trong nội khối, lượng gỗ nguyên liệu từ EU xuất khẩu ra ngoài đã giảm mạnh.

Vì vậy, Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp nên tìm nguồn gỗ khác thay thế, nhưng vẫn phải đảm bảo gỗ hợp pháp để nhập về phục vụ sản xuất. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có giải pháp (trong đó bao gồm cả chính sách thuế) để kiềm chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate