June 30, 2021 | 09:53 GMT+7

Ngành lâm nghiệp xuất siêu 7,2 tỷ USD

Chu Khôi -

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường nhập khẩu quan trọng của gỗ và lâm sản Việt Nam. Giá trị xuất khẩu lâm sản vào 5 thị trường này trong 6 tháng đầu năm ước đạt trên 7,68 tỷ USD, chiếm khoảng 89% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành...

Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng.
Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng.

Theo số liệu của Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu lâm sản 6 tháng đầu năm 2021 đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6 % so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong đó: xuất khẩu gỗ các loại 1,76 tỷ USD, tăng 23,6%; xuất khẩu sản phẩm gỗ  đạt 6,35 tỷ USD, tăng 75,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt 0,6 tỷ USD, tăng 72,9%.  cả năm 2020 đạt trên 16 tỷ USD.

 XUẤT KHẨU LÂM SẢN VÀO MỸ ĐẠT 5 TỶ USD

Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường nhập khẩu quan trọng của gỗ và lâm sản Việt Nam. Giá trị xuất khẩu lâm sản vào 5 thị trường này trong 6 tháng đầu năm ước đạt trên 7,68 tỷ USD, chiếm khoảng 89% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.

Trong đó: Hoa Kỳ ước đạt trên 5 tỷ USD, tăng trên 99 % so với cùng kỳ năm 2020; Nhật Bản đạt 0,73 tỷ USD, tăng 11%; Trung Quốc đạt 0,82 tỷ USD, tăng 22,9 %; EU ước đạt 0,68 tỷ USD, tăng 54 %; Hàn Quốc ước đạt 0,76 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt trên 1,54 tỷ USD, tăng 39% so cùng kỳ. Trong đó: nhập khẩu gỗ nguyên liệu 1,15 tỷ USD, tăng 10,8%;  nhập khẩu sản phẩm gỗ 0,389 USD, tăng 476,1%.

 

Thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam hiện nay gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Thái Lan, Chi Lê.

Như vậy, trong 6 tháng năm 2021, ngành lâm sản xuất siêu 7,2 tỷ USD, tăng 67,4% so cùng kỳ năm 2020.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc 6 tháng năm 2021 đạt 6,8 triệu m3, tương đương 32% kế hoạch năm 2021, bằng 114% so với cùng kỳ năm 2020.

Về trồng rừng, tính đến ngày 23/6/2021, cả nước đã trồng mới thêm 108.258 ha rừng, đạt 41,63% kế hoạch năm 2021, bằng 122% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, trồng rừng phòng hộ được 1.315 ha; trồng rừng sản xuất được 106.868 ha. Triển khai đề án trồng 1 tỷ cây xanh, đến thời điểm này cả nước đã trồng được 41,272 triệu cây phân tán, đạt 34,4% kế hoạch cả năm.

Quỹ dịch vụ môi trường rừng đã thu được 1.421,65 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, đạt 51% kế hoạch thu năm 2021, bằng 166% so với cùng kỳ năm 2020. Ước cả năm 2021 thu được  2.800 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, hoàn thành thanh toán nguồn tiền năm 2020 cho toàn bộ chủ rừng và tạm ứng nguồn tiền năm 2021 trước dịp Tết Nguyên Đán 2022.

Theo ông trị , công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng tiếp tục được các địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm nóng về tình trạng phá rừng tại một số tỉnh như: Bắc Kạn, Sơn La, Thừa Thiên Huế, Đắc Nông, Gia Lai. Nguyên nhân chủ yếu là phá rừng lấy đất làm nương rẫy.

Trong 6 tháng đầu năm. đã phát hiện 1.329 vụ vi phạm ảnh hưởng tới rừng, giảm 114 vụ (tương ứng giảm 8%) so với cùng kỳ năm 2020. Diện tích rừng bị thiệt hại lũy kế 6 tháng là 1.210 ha, giảm 1.380 ha (tương ứng giảm 53%) so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, diện tích thiệt hại do cháy là 283 ha, do phá rừng trái pháp luật 672 ha.

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG

Ông Trị nhận định: Tình hình hoạt động trong công tác đấu tranh, ngăn chặn vi phạm lâm luật tại các điểm nóng bị hạn chế. Tình hình vi phạm về phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật vẫn còn tồn tại điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép và chống người thi hành công vụ, nhất là các tỉnh Khu vực Tây Nguyên.

 

Gia Lai, Kom Tum, Đắk Nông là những địa bàn nóng nhất về phá rừng, khai thác rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp trong thời gian. Một số vụ phá rừng và khai thác lâm sản trái pháp luật chưa được phát hiện sớm để có biện pháp chỉ đạo, ngăn chặn và giải quyết kịp thời.

Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một bộ phận lớn lao động phổ thông không có việc làm, đã trở về địa phương và tìm kiếm nguồn thu từ việc khai thác rừng trái pháp luật.

Ngoài ra, do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt, hanh khô, hạn hán kéo dài nhiều ngày, đúng vào mùa đốt nương làm rẫy nên đã xảy ra một số vụ cháy rừng, mặc dù địa phương đã triển khác các biện pháp chữa cháy, tuy nhiên vẫn có thiệt hại về rừng.

Vì vậy, trong nửa cuối năm, ngành Lâm nghiệp sẽ tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo hoàn thành mục tiêu năm 2021 giảm 10% số vụ vi phạm và 20% về diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2020.

Tổng cục Lâm nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng như Công an, Bộ Đội Biên phòng, Hải quan, để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp.

Đồng thời,  duy trì cung cấp thông tin cảnh báo cháy rừng hàng ngày về thông tin điểm cháy để kiểm tra, phát hiện, xử lý; góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời.

Tổng cục Lâm nghiệp cũng sẽ bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2021.  

Tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết thành công giữa doanh nghiệp chế biến gỗ và hộ gia đình trồng rừng để vừa đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp trong nước, vừa tăng giá trị gia tăng, giảm chi phí giá thành cho sản phẩm qua đó nâng cao tính cạnh tranh cho gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate