October 05, 2021 | 19:47 GMT+7

Ngành Nông nghiệp hướng tới mục tiêu xuất khẩu trên 45 tỷ USD trong năm 2022

Chu Khôi -

Năm 2022, ngành Nông nghiệp phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành tăng 2,8 - 3% ; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 45,5 tỷ USD; Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt khoảng 73% so với năm 2021...

Họp báo thường kỳ quý 3/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Họp báo thường kỳ quý 3/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Khái quát những kết quả của ngành Nông nghiệp 9 tháng năm 2021 tại  buổi họp báo thường kỳ quý 3/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 05/10, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, cho biết tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,74% và đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Ngành đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

KIM NGẠCH XUẤT KHẨU TĂNG GẦN 18%

Tính đến hết tháng 9/2021, cả nước gieo cấy được 7,13 triệu ha lúa; đến nay đã thu hoạch đạt khoảng 5,3 triệu ha, sản lượng khoảng 33,5 triệu tấn thóc. Tổng diện tích gieo trồng cây lâu năm ước đạt 3.642,4 nghìn ha, tăng 1,3% so cùng kỳ.

Đối với chăn nuôi, sản lượng thịt trâu ước đạt 86,6 nghìn tấn, giảm 0,4%; thịt bò đạt 332,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; thịt lợn hơi ước đạt 3.060,9 nghìn tấn, tăng 5,0%; thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 1.402,7 nghìn tấn, tăng 4,3%; sản lượng sữa bò tươi ước đạt 856,6 nghìn tấn, tăng 11,0%; trứng ước đạt 12,8 tỷ quả, tăng 4,3%.

Thủy sản là lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19, sản lượng khai thác và nuôi trồng quý 3 giảm 5,2%. Tính chung 9 tháng, tổng sản lượng thủy sản đạt gần 6,38 triệu tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2020. 

Trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.

 

Xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 15,8 tỷ USD, tăng 14,4%; lâm sản đạt 11,97 tỷ USD, tăng 31,6%; thủy sản đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 2,4%; chăn nuôi 345 triệu USD, tăng 17,5%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 31,6%.

Về thị trường xuất khẩu: Khu vực châu Á chiếm 42,2% thị phần; châu Mỹ 30,7%, châu Âu 11,3%, châu Đại Dương 1,5% và châu Phi 1,9%.

Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản, nhất là nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh, đạt 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%. Do vậy, xuất siêu 9 tháng dù đạt trên 3,3 tỷ USD nhưng giảm 55,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, để đạt mức tăng trưởng toàn ngành năm 2021 là 2,8% thì lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản phải có sự phát tăng trưởng mạnh trong quý 4 vì trồng trọt từ nay đến cuối năm không còn nhiều dư địa tăng trưởng.

"Nếu không thúc đẩy mạnh hai lĩnh vực này thì ngành khó có thể đạt được mục tiêu khi vật tư nông nghiệp tăng cao. Đây là bài toán lớn với ngành nông nghiệp", ông Nguyễn Văn Việt lưu ý.

Để tháo gỡ khó khăn, tăng tốc sản xuất và xuất khẩu trong quý cuối năm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, cho biết Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động theo bốn nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố. 

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Theo đó, ngành sẽ tăng cường kết nối, phối hợp với các tập đoàn viễn thông như Viettel Post, VNPT Post; các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp đề xuất hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử.

Thứ ba, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistic... không để ứ đọng hàng hóa tại vùng sản xuất, nhà máy, trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Thứ tư, tăng cường các giải pháp phòng, chống thiên tai hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất cho kinh tế, sản xuất, đời sống người dân.

NỖ LỰC GỠ "THẺ VÀNG" THỦY SẢN

Trong khi các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp đạt tăng trưởng cao cả về sản xuất và xuất khẩu, thì riêng lĩnh vực thủy sản đáng lo nhất, khi sản lượng thu hoạch, chế biến và xuất khẩu cùng suy giảm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận định, việc đạt mục tiêu trong nuôi trồng thủy sản không khó mà khó trong lưu thông và các cơ sở chế biến phải khôi phục lại được sản xuất.

 

Khi các doanh nghiệp chế biến hoạt động trở lại thì việc khôi phục sản xuất sẽ đạt được. Ngành sẽ tổ chức lại khai thác hải sản, phát triển đa dạng các đối tượng nuôi để cố gắng đạt mục tiêu về sản xuất và xuất khẩu của năm nay.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản 

Một vấn đề được xã hội và Chính phủ  quan tâm nhất hiện nay là việc Ủy ban Châu Âu (EC) đưa cảnh báo "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam từ năm 2017. Đến nay, sau gần 4 năm nỗ lực bằng nhiều giải pháp, chúng ta đã đạt được những kết quả nhất định, song mục tiêu lớn nhất là gỡ "thẻ vàng" chưa đạt được.

Mới đây, ngày 07/09/2021, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các Bộ, ngành, địa phương về việc gỡ "thẻ vàng" của EC và đưa ra “kỳ hạn” phải giải quyết được vấn đề này trong năm 2021 hoặc 2022.

Đối với việc chậm trễ trong gỡ thẻ vàng IUU đánh bắt hải sản, ông Hùng cho biết, năm nay vì dịch Covid-19 nên phía EC không sang Việt Nam kiểm tra công việc khắc phục "thẻ vàng". Theo dự kiến, ngày 27/10/2021, phía EC sẽ họp trực tuyến với Tổng cục Thủy sản về nội dung trên.

Về cơ bản, Tổng cục Thủy sản đã có báo cáo gửi EC trao đổi về những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam về việc gỡ "thẻ vàng" trong năm 2021, cũng như cả quá trình suốt 4 năm gỡ "thẻ vàng" của chúng ta. Việt Nam đã rất nỗ lực từ Trung ương đến địa phương để giải quyết việc này.

"Đến nay, chúng tôi nghĩ không thể bị EC nâng từ "thẻ vàng" lên "thẻ đỏ". Trước mắt, hết 2021 chúng ta vẫn cố gắng duy trì ở mức "thẻ vàng". Hiện nay, các tỉnh, thành phố đã vào cuộc rất quyết liệt từ cấp xã. Thủ tướng chỉ đạo phấn đấu năm 2022 phải gỡ được "thẻ vàng". Với sự vào cuộc quyết liệt từ Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương, tôi tin "thẻ vàng" sẽ được gỡ bỏ trong giai đoạn 2022-2023", ông Hùng khẳng định. 

Về mục tiêu cho năm 2022, trên cơ sở dự kiến kết quả sản xuất, kinh doanh của ngành năm 2021, dự báo dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra những mục tiêu “vừa tầm” .

Theo đó, năm 2022, toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt kế hoạch cơ cấu lại ngành gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,8 - 3%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 45,5 tỷ USD; Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt khoảng 73%; Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định ở mức 42%...

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương. Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông lâm thủy sản. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate