Theo Tổng cục Thống kê, trong quý 1/2023, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tăng cả về sản lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu gạo đạt 1,8 triệu tấn, tương đương 952 triệu USD, tăng 19,3% về sản lượng và tăng 30,2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu điều đạt 122 nghìn tấn tương đương 708 triệu USD, tăng 16,6% và tăng 14,2%; xuất khẩu rau quả đạt 935 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
SẢN LƯỢNG THU HOẠCH VÀ XUẤT KHẨU TRÁI CÂY TĂNG
Tính đến trung tuần tháng 3/2023 cả nước gieo trồng được 2.922,3 nghìn ha lúa đông xuân, bằng 98,7% cùng kỳ năm trước. Trong đó: các địa phương phía Bắc đạt 1.042,9 nghìn ha, bằng 99,1%; các địa phương phía Nam đạt 1.879,4 nghìn ha, bằng 98,4%, riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.478,7 nghìn ha, bằng 98,1%.
Diện tích gieo cấy lúa đông xuân giảm chủ yếu do chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp như xây dựng cụm công nghiệp hoặc xây dựng đường cao tốc, chuyển sang trồng hoa màu và cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao hơn hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản.
Tại các địa phương phía Bắc, nhiều địa phương đã hoàn thành chăm sóc lúa đợt 1 và đang tiến hành chăm sóc lúa đợt 2, lượng nước tưới được cung cấp đầy đủ và kịp thời.
Tại các địa phương phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã cho thu hoạch 792,4 nghìn ha, chiếm 53,6% diện tích gieo cấy và bằng 101,9% cùng kỳ năm trước, năng suất ước đạt 71,2 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước; sản lượng ước đạt 10,5 triệu tấn, giảm 145,4 nghìn tấn do diện tích gieo trồng giảm 28,1 nghìn ha.
"Đối với ngành lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 3/2023 ước đạt 19,6 nghìn ha, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.305,4 nghìn m3, tăng 2,4%. Tính chung quý 1/2023, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 38,7 nghìn ha, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng gỗ khai thác đạt 3.349,2 nghìn m3, tăng 4,2%".
Theo Tổng cục Thống kê.
Tính đến giữa tháng 3/2023, tiến độ gieo trồng một số cây rau màu vụ đông xuân như rau đậu, ngô tăng so với cùng kỳ năm trước; trong khi san lượng khoai lang, lạc, đậu tương giảm chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao.
Đối với cây lâu năm, Tổng cục Thống kê cho biết sản lượng thu hoạch một số cây lâu năm quý 1/2023 tăng so với cùng kỳ năm trước do thời tiết thuận lợi, giá bán sản phẩm ổn định.
Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm như sau: Chè búp đạt 172,3 nghìn tấn, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước; hồ tiêu đạt 146,2 nghìn tấn, tăng 1,5%; cao su đạt 130,6 nghìn tấn, tăng 2,9%; điều đạt 226,3 nghìn tấn, tăng 7,4%.
Đối với cây ăn quả, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay những cây lâu năm kém hiệu quả như tiêu, thanh long, dứa sang trồng sầu riêng, mít, thêm vào đó nhiều diện tích cây ăn quả đã đến thời kỳ cho thu hoạch nên sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước: Sầu riêng đạt 108,3 nghìn tấn, tăng 27,8%; mít đạt 142,9 nghìn tấn, tăng 20,7%; cam đạt 310,4 nghìn tấn, tăng 5,9%; quýt đạt 44,3 nghìn tấn, tăng 4,1%; chuối đạt 671,3 nghìn tấn, tăng 2,6%; xoài đạt 184,4 nghìn tấn, tăng 1,9%. Riêng sản lượng thanh long đạt 340 nghìn tấn, giảm 2,8%.
Sản lượng trái cây tăng, cùng với những thuận lợi về thị trường tiêu thụ đã giúp xuất khẩu rau quả tăng trưởng mạnh, kim ngạch 3 tháng đạt 935 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
CHĂN NUÔI VÀ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN GẶP KHÓ
Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 3/2023 ước đạt 703,8 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 519 nghìn tấn, tăng 1,1%; tôm đạt 63 nghìn tấn, tăng 5,9%; thủy sản khác đạt 121,8 nghìn tấn, tăng 0,6%.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 353,5 nghìn tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản khai thác trong tháng 3/2023 ước đạt 350,3 nghìn tấn, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung quý 1/2023, sản lượng thủy sản ước đạt 1.889,2 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1.404,6 nghìn tấn, tăng 1,4%; tôm đạt 184,5 nghìn tấn, tăng 2,2%; thủy sản khác đạt 300,1 nghìn tấn, tăng 0,7%.
"Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai kiến nghị các ngân hàng địa phương tích cực giải ngân gói vay hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách theo Nghị định 31 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước. Bởi, qua khảo sát thực tế của Hội, chưa doanh nghiệp, trang trại nào được hưởng gói vay này".
"Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai".
Mặc dù sản lượng thủy sản nuôi trồng vẫn tăng, nhưng theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), hiện giá thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục và không ổn định, trong khi xuất khẩu suy giảm, tiêu thụ đầu ra khó khăn. Người nuôi tôm và cá tra đang lâm vào tình trạng thua lỗ hoặc chỉ hòa vốn.
Thực tế hiện nay, khô đậu tương là mặt hàng nguyên liệu chính, chiếm 80-90% giá thành thức ăn nuôi thủy sản và thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, mặt hàng này đang có giá nhập khẩu cao và không được hưởng cơ chế giảm thuế nhập khẩu như lúa mì và ngô, theo như nghị định 101/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ. Do vậy, VASEP đã gửi công văn tới Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu khô đậu tương từ mức 2% về mức 0%.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Tổng cục Thống kê cho biết chăn nuôi lợn, gà có mức tăng sản lượng cao nhưng lại gặp khó khăn do giá bán thịt hơi ở mức thấp, trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Từ cuối tháng 2/2023 tới thời điểm này, giá bán thịt lợn hơi xuất chuồng ở hầu hết các địa phương đều giảm xuống dưới 50.000 đồng/kg, ở nhiều nơi giảm xuống chỉ còn 46.000-47.000 đồng/kg.
Hiện nay, giá lợn hơi đã xuống thấp hơn giá thành chăn nuôi từ 2.000-3.000 đồng/kg, khiến hầu hết các hộ chăn nuôi đang kiệt quệ, tình trạng “treo chuồng” hàng loạt tái diễn ở nhiều địa phương.
Ngày 28/3/2023, Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai có tâm thư gửi tới Ngân hàng Nhà nước, bày tỏ mong muốn có những chính sách cứu nguy khẩn cấp cho ngành chăn nuôi. Theo đó, hiện giá thành chăn nuôi tăng cao nhưng giá bán ở mức thấp khiến hàng loạt người dân và doanh nghiệp chăn nuôi heo, bò, gà điêu đứng, thua lỗ nặng và treo chuồng.
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất với Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cho gia hạn nợ gốc, giảm một phần lãi suất cho các hộ chăn nuôi đang vay nợ.
Tiếp theo, Hội đề nghị các ngân hàng tiếp tục triển khai các gói vay đặc thù cho đầu tư trang trại đến các vùng chăn nuôi trọng điểm để tránh việc đứt nguồn vốn, nguy cơ phá sản.
Ngoài ra, khi thẩm định khách hàng là các doanh nghiệp chăn nuôi, ngân hàng nên có sự tiếp xúc với hiệp hội để đánh giá tiềm lực khách hàng. Doanh nghiệp tốt có thể đứng ra bảo lãnh vay vốn cho cả chuỗi liên kết từ nông hộ, hợp tác xã, đại lý thức ăn để tăng quy mô làm ăn.
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai mong các ngân hàng địa phương tích cực giải ngân gói vay hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách theo Nghị định 31 và Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước. Bởi, qua khảo sát thực tế của Hội, chưa doanh nghiệp, trang trại nào được hưởng gói vay này.