Ngày 8/4, diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 8. dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Campuchia.
Cùng ngày cũng diễn ra các hội nghị liên quan bao gồm Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 26 và phiên đối thoại giữa các Bộ trưởng và Thống đốc với lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế: Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB), Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực ASEAN+3 (AMRO).
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đại diện cho Bộ Tài chính Việt Nam tham dự trực tuyến các hội nghị nói trên.
Theo ghi nhận tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất về bức tranh phục hồi khả quan của khu vực với mức tăng trưởng 4% năm 2021 và dự kiến 5,2% trong năm 2022. Các quốc gia khẳng định sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách để đảm bảo sự phục hồi toàn diện, bền vững, duy trì ổn định tài chính trong khu vực.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ những kinh nghiệm của Chính phủ Việt Nam thực hiện các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vaccine, làm nền tảng cho việc phục hồi các hoạt động kinh tế.
Về các hoạt động hợp tác và hội nhập tài chính ASEAN, Bộ trưởng đánh giá cao nỗ lực của các nhóm công tác trong các lĩnh vực hợp tác tài chính, và đề nghị các nhóm công tác tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác hiệu quả, đặc biệt là các hoạt động triển khai cơ chế "Một cửa ASEAN", trao đổi dữ liệu thông tin giữa các cơ quan bảo hiểm, hải quan, thuế ASEAN.
Hải quan "Một cửa ASEAN" hiện vận hành tốt, tuy nhiên để giải quyết vướng mắc về việc trao đổi tờ khai hải quan, Bộ trưởng đề nghị các nước ASEAN phản hồi các lỗi kỹ thuật để hoàn thiện việc kết nối.
Về hợp tác trong lĩnh vực thuế, ông Hồ Đức Phớc cũng đề nghị thảo luận về kết nối chứng nhận cư trú để miễn giảm thuế theo hiệp định thuế trong ASEAN. Bộ trưởng cũng ghi nhận các kiến nghị của các cộng đồng doanh nghiệp, và chia sẻ những định hướng chuyển đổi số trong các lĩnh vực tài chính của Việt Nam.
Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nền tảng tài chính số, thực hiện hiện đại hóa nền tài chính quốc gia là một định hướng quan trọng, tập trung vào việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý thuế, xây dựng hải quan số, kho bạc số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các thị trường tài chính.
Tại phiên đối thoại với các tổ chức tài chính quốc tế, lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế chia sẻ nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực ASEAN và đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm đảm bảo quá trình phục hồi bền vững, hạn chế các tác động rủi ro trái chiều.
Theo đó, lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế đều cho rằng, rủi ro tác động tới khu vực liên quan đến yếu tố xung đột địa chính trị tại châu Âu, giá dầu và các nguyên liệu tăng cao, sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và dòng thương mại và sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc là những yếu tố có thể ảnh hưởng tới sự phục hồi của kinh tế khu vực.
Để tạo nền tảng cho phục hồi kinh tế bền vững, các tổ chức tài chính quốc tế khuyến nghị các nước cần tiếp tục ưu tiên mở rộng bao phủ vaccine và điều chỉnh chính sách phục hồi phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia.
Trong dài hạn, cần giảm dần các biện pháp kích thích kinh tế, tiếp tục triển khai các chính sách tái cơ cấu, tăng đầu tư cho sức khỏe, chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng xanh.
Tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 26, các Bộ trưởng nghe báo cáo tiến độ triển khai các hoạt động hợp tác tài chính trong khuôn khổ các ủy ban công tác ASEAN.
Theo đó, các đại biểu đều đánh giá cao nỗ lực của các nhóm công tác trong việc triển khai các mục tiêu hợp tác,như phát triển mạng lưới hiệp định thuế song phương (DTA) giữa các nước thành viên ASEAN lên đến 72 hiệp định, nhiều nước thành viên tham gia vào Khung khổ thực hiện BEPS của G20/OECD, triển khai Chương trình doanh nghiệp ưu tiên ASEAN (AEO) tại 7 nước thành viên, chương trình Trao đổi tờ khai Hải quan điện tử ASEAN (ACDD) với 6 nước thành viên ASEAN.
Ngoài ra, cũng tại hội nghị này, các Bộ trưởng và Thống đốc còn có phiên đối thoại với các cộng đồng doanh nghiệp ASEAN, ASEAN – Hoa Kỳ, ASEAN – EU về các vấn đề quan tâm của khu vực doanh nghiệp trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và quản lý nền kinh tế số; nghe báo cáo và cho ý kiến về các kết quả triển khai Lộ trình Hội nhập tài chính tiền tệ ASEAN (RIA-Fin) trong các lĩnh vực tự do hóa dịch vụ tài chính, phát triển thị trường vốn và các lĩnh vực hợp tác tài chính ngân hàng khác.
Hội nghị hoan nghênh những tiến bộ nổi bật trong các sáng kiến tự do hóa dịch vụ tài chính, đặc biệt là việc khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Canada và đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Úc – New Zealand và đề nghị Ban thư ký ASEAN phối hợp với các nước khẩn trương triển khai ký kết Nghị định thư thực hiện Gói 9 về Tự do hóa dịch vụ tài chính trong thời gian phù hợp.
Trên cơ sở đồng thuận chung, các Bộ trưởng và Thống đốc nhất trí thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN lần thứ 8. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN lần thứ 9 sẽ diễn ra vào năm 2023 dưới sự chủ tọa của Indonesia.