January 27, 2022 | 08:01 GMT+7

Tổ chức Hải quan Thế giới gợi ý 3 cách tiến tới "hải quan số"

Trâm Anh -

Đại dịch Covid -19 vẫn chưa thể kết thúc, vì vậy, các cơ quan hải quan cần nhận định những thách thức về nguồn nhân lực và tận dụng các dữ liệu còn chưa được sử dụng tối đa hiện có...

Tổng cục Hải quan Việt Nam xác định xây dựng mô hình "hải quan thông minh" là một nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển 10 năm tới.
Tổng cục Hải quan Việt Nam xác định xây dựng mô hình "hải quan thông minh" là một nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển 10 năm tới.

Nhân ngày Hải quan quốc tế 26/1, Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đưa ra thông điệp đầu năm với mong muốn khẳng định vai trò không thể thay thế của cộng đồng hải quan quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay.

 

Với chủ đề hoạt động năm 2022 là “Thúc đẩy chuyển đổi hải quan số bằng việc áp dụng văn hóa khai thác dữ liệu và xây dựng hệ sinh thái dữ liệu”, thông điệp đầu năm của Tổng Thư ký WCO khái quát mục tiêu trọng tâm và giải pháp thúc đẩy chuyển đổi “hải quan số” của cộng đồng hải quan năm 2022.

WCO nhấn mạnh, năm 2022, đại dịch Covid -19 vẫn chưa thể kết thúc, vì vậy, các cơ quan hải quan cần nhận định những thách thức về nguồn nhân lực và tận dụng các dữ liệu còn chưa được sử dụng tối đa hiện có.

Tuy xu hướng quản trị dựa trên dữ liệu là tất yếu nhưng cơ quan hải quan vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong các vấn đề kỹ thuật, pháp lý… để triển khai các chính sách hướng đến việc sử dụng có hiệu quả hơn dữ liệu sẵn có.

WCO cho rằng các cơ quan hải quan các nước có thể thực hiện chuyển đổi số thông qua 3 cách.

Thứ nhất, xây dựng hệ sinh thái dữ liệu dựa trên sự tin cậy.

Hải quan là một bộ phận của hệ sinh thái dữ liệu, với các bên tham gia gồm người dân, các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp trong nước và liên quốc gia… 

Dữ liệu được sử dụng để xây dựng chiến lược, nâng cao chất lượng hoạt động chống buôn lậu, thu thuế, tối đa hóa nguồn lực tại các cửa khẩu và các đơn vị hải quan.

Mức độ hiệu quả của việc sử dụng dữ liệu phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan tới “đạo đức dữ liệu”, bao gồm việc bảo mật, bí mật thương mại, các vấn đề pháp lý liên quan đến việc sử dụng dữ liệu bởi các cơ quan thuế, hải quan và tầm quan trọng của cải cách trong lĩnh vực hành chính công.

Đối với nội dung này, WCO khuyến nghị cơ quan hải quan các nước cần thiết lập cơ chế quản trị dữ liệu chính thống để đảm bảo tính liên quan, chính xác và kịp thời của dữ liệu.

Sử dụng các tiêu chuẩn do WCO và các tổ chức khác phát triển về định dạng dữ liệu và trao đổi dữ liệu. Đồng thời, áp dụng các phương pháp tiếp cận tiên tiến, chẳng hạn như phân tích dữ liệu, để thu thập và khai thác thành công dữ liệu nhằm thúc đẩy quá trình ra quyết định.

Thứ hai, áp dụng văn hóa khai thác dữ liệu để lấp đầy các "lỗ hổng" về nhân lực.

WCO cho rằng, trở ngại lớn nhất đối với mỗi tổ chức khi ra quyết định dựa trên dữ liệu không phải là kỹ thuật mà là văn hóa. Văn hóa khai thác dữ liệu là khi tất cả các thành viên trong tổ chức đều được truy cập vào hệ thống phân tích dữ liệu và có kiến thức cần thiết để tận dụng dữ liệu phục vụ công việc.

Để có thể tạo lập và duy trì văn hóa dữ liệu bền vững, các chuyên gia nhấn mạnh, cán bộ quản lý cấp cao cần đưa ra kỳ vọng nhất định về việc ra quyết định dựa trên cơ sở dữ liệu.

Để nuôi dưỡng được văn hóa khai thác dữ liệu, các cơ quan hải quan cần tăng cường kỹ năng cần thiết của nhân viên, với khả năng đọc và phân tích dữ liệu một cách chính xác.

Cơ quan hải quan cũng cần đưa tiêu chí về kỹ năng tích hợp dữ liệu vào yêu cầu đối với cán bộ được tuyển dụng mới và cho họ tham gia xây dựng các khóa học trực tuyến để làm quen với việc thu thập và phân tích dữ liệu nhằm tăng cường văn hóa dữ liệu. Bên cạnh đào tạo, cơ quan hải quan cần xây dựng chiến lược hiệu quả nhằm giữ chân các cán bộ có năng lực trong lĩnh vực này.

Thứ ba, thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan hải quan.

Các cơ quan hải quan được khuyến khích tận dụng các dữ liệu trong mối quan hệ với các bên khác trong chuỗi cung ứng quốc tế, cũng như cung cấp dữ liệu cho công chúng và giới nghiên cứu như một công cụ nhằm tăng cường tính minh bạch, thúc đẩy chia sẻ tri thức và đối thoại với cộng đồng.

Chia sẻ dữ liệu với các cơ quan chính phủ khác nhằm tăng cường vai trò của cơ quan hải quan trong quá trình ra quyết định và các nguồn lực cần thiết bao gồm tìm kiếm nguồn tài trợ.

Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Cơ quan hợp tác và phát triển kinh tế OECD, Văn phòng của Liên hợp quốc về Tội phạm và Ma túy UNODC hoặc Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) cũng muốn tìm kiếm dữ liệu hải quan nhằm định hướng việc phân bổ nguồn lực và đánh giá hiệu quả của các dự án hiện đại hóa.

Tại Việt Nam, Tổng cục Hải quan xác định xây dựng mô hình "hải quan thông minh" là một nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, ngành hải quan Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp trao đổi thông tin để tiếp cận với mô hình quản lý của một số nước tiên tiến và mô hình hải quan hiện đại do WCO khuyến nghị. Đặc biệt, ứng dụng các tiến bộ khoa học trong cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước hiện đại hóa ngành hải quan, mang lại tiện ích cho doanh nghiệp.

Với số lượng 92.000 doanh nghiệp sử dụng phần mềm, dự kiến trong thời gian 5 năm, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kinh doanh kho, bãi, cảng sẽ tiết kiệm được khoảng 920 tỷ đồng.

 

Để hỗ trợ các cơ quan thành viên, WCO đã và đang đưa các chủ đề liên quan tới dữ liệu vào chương trình nghị sự của các phiên họp ủy ban, các nhóm làm việc, tổ chức các buổi hội thảo nâng cao nhận thức, xây dựng các cấu phần đào tạo trực tuyến, xây dựng Khung xây dựng năng lực về Phân tích dữ liệu…

Cùng với đó, WCO thành lập một nhóm chuyên gia về phân tích dữ liệu hải quan (BACUDA) gồm các nhà khoa học dữ liệu nhằm xây dựng phương pháp luận về phân tích dữ liệu. Hiện Ban Thư ký WCO đang nghiên cứu xây dựng Chiến lược dữ liệu của WCO với tham vọng để dữ liệu sẽ là ngôn ngữ chung giữa các cơ quan hải quan và giữa Ban Thư ký WCO và các thành viên.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate