December 01, 2023 | 18:33 GMT+7

Ngành thuế nắm dữ liệu của trên 190.000 đơn vị bán hàng online, tăng thu 11.500 tỷ đồng từ loạt "ông lớn"

Trâm Anh -

Tổng cục Thuế cho biết, đến hết quý 3/2023, cơ quan thuế thu được gần 11.500 tỷ đồng từ 74 "ông lớn" kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới; đồng thời, nắm dữ liệu của 191.000 đơn vị bán hàng online từ 357 sàn...

Cơ quan thuế đang phối hợp với ngân hàng, đơn vị trung gian để hoàn thiện cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử, tăng thu từ lĩnh vực tiềm năng này.
Cơ quan thuế đang phối hợp với ngân hàng, đơn vị trung gian để hoàn thiện cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử, tăng thu từ lĩnh vực tiềm năng này.

Tổng cục Thuế vừa tổ chức Hội nghị sơ kết đề án quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam. 

THÁCH THỨC QUẢN LÝ THUẾ VỚI THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ

Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành, cho biết theo số liệu tại Sách trắng thương mại điện tử của Bộ Công Thương, tổng giá trị hàng hóa và tiêu dùng thương mại điện tử tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng vượt bậc, từ 8 tỷ USD năm 2020 tăng lên 16,4 tỷ USD năm 2022.

Với tốc độ tăng trưởng dự kiến 35%/năm, dự kiến quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt đạt 21,3 tỷ USD vào năm 2023 và lên tới 57 tỷ USD vào năm 2025.

 

Cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, xác định được căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập làm cơ sở đánh thuế, kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế và việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, cùng với sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới nêu trên của thương mại điện tử trong thời gian qua đặt ra những thách thức mới không nhỏ đối với công tác quản lý thuế.

Để tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2146/QĐ-TCT ngày 12/11/2021 về Kế hoạch tổng thể thực hiện các giải pháp tại Đề án quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành chủ trì hội nghị.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành chủ trì hội nghị.

Để công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử ngày càng hiệu quả, Tổng cục Thuế tổ chức Hội nghị sơ kết công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử để đánh giá lại những công việc triển khai, những kết quả đạt được, những vấn đề phát sinh mới từ thực tiễn quản lý để xây dựng giải pháp hiệu quả hơn trong giai đoạn 2024-2025.

Tổng cục Thuế cũng ghi nhận những đề xuất về các giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử tại một số cục thuế trọng điểm.

Trên cơ sở đó tổng hợp, đề xuất những giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới để đảm bảo trong giai đoạn 2024-2025 ngành thuế sẽ xây dựng được mô hình quản lý thuế đối với thương mại điện tử hiệu quả đáp ứng những đặc trưng của nền kinh tế số, phù hợp thông lệ quốc tế.

CÒN KHÓ KHĂN KHI KHAI THÁC THÔNG TIN TỪ NGÂN HÀNG, DOANH NGHIỆP TRUNG GIAN

Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (Etaxvn.gdt.gov.vn) nhằm hỗ trợ các nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới.

 

Theo báo cáo kết quả triển khai đề án quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, tính đến hết quý 3/2023, có 74 nhà cung cấp nước ngoài thực hiện đăng ký thuế, kê khai thuế trên Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 11.498 tỷ đồng.

Song song với đó, Cổng thông tin thương mại điện tử cũng được Tổng cục Thuế chính thức vận hành ngày 15/12/2022 để tiếp nhận thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh tại các sàn giao dịch thương mại điện tử đáp ứng quy định mới tại Nghị định số 91/2022/NĐ-CP ngày 30/10/2022.

Đến nay, sau 4 kỳ cung cấp thông tin, Cổng thông tin thương mại điện tử ghi nhận 357 sàn thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin.

Theo thông tin sàn thương mại điện tử cung cấp, số lượng tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh trên sàn là hơn 191.000 với tổng giá trị giao dịch là gần 59.000 tỷ đồng.

Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho rằng, đây là những bước đi quan trọng của ngành thuế để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hiện ngành thuế và đang nỗ lực mở rộng triển khai các dịch vụ thuế điện tử bao gồm: khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hỗ trợ tra cứu thông tin nghĩa vụ thuế nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế nói chung, người nộp thuế kinh doanh thương mại điện tử nói riêng trong việc chấp hành nghĩa vụ thuế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến của lãnh đạo từ các đơn vị cục thuế địa phương cho rằng vấn đề phối hợp với các ngân hàng thương mại để khai thác thông tin, xác định giá trị giao dịch và việc khai thác thông tin từ doanh nghiệp hoạt động trung gian vận chuyển, trung gian thanh toán vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn, cơ quan thuế các cấp cần phải chú trọng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử. Cơ sở dữ liệu phải đảm bảo đầy đủ, chính xác, kịp thời, phải được rà soát thường xuyên, liên tục, đặc biệt cần lưu ý tính bảo mật thông tin của cơ sở dữ liệu theo đúng quy định. 

Đồng quan điểm trên, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh về việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu thương mại điện tử cần quy định rõ ràng tại Luật Quản lý thuế. Đối với các ứng dụng, lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế tiếp tục nghiên cứu phát triển hỗ trợ công tác quản lý thuế.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate