March 08, 2023 | 13:48 GMT+7

Ngành thuế rốt ráo chống thất thu thuế khi ngân sách giảm tốc

Trâm Anh -

Chỉ đạo về nhiệm vụ công tác trong tháng 3/2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị cơ quan thuế, hải quan cần đánh giá kỹ tác động có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước và đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ doanh nghiệp...

Lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị khẩn trương triển khai các đề án chống thất thu thuế như: phần mềm quản lý chuyển nhượng bất động sản, xây dựng Trung tâm cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử...
Lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị khẩn trương triển khai các đề án chống thất thu thuế như: phần mềm quản lý chuyển nhượng bất động sản, xây dựng Trung tâm cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử...

Thông tin về tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 2 tại cuộc họp giao ban ngày 7/3, Bộ Tài chính cho biết công tác thu ngân sách nhà nước tháng 2 ước đạt 124,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu 2 tháng đầu năm ước đạt 362,3 nghìn tỷ đồng, bằng 22,4% dự toán.

THU XUẤT NHẬP KHẨU GIẢM MẠNH, CÓ THỂ KHỞI SẮC NỬA CUỐI NĂM

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu nội địa ước đạt 100,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23,6% dự toán, tăng 17% so cùng kỳ năm 2022. Thu từ dầu thô ước đạt 5,3 nghìn tỷ đồng, bằng 25,7% dự toán và tăng 13,2% so cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 18,9 nghìn tỷ đồng, bằng 15% dự toán, bằng 13,2% dự toán và giảm tới 20,5% so cùng kỳ năm 2022.

Trong khi, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 2 ước đạt 112,7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 2 tháng ước đạt gần 242 nghìn tỷ đồng, bằng 11,7% dự toán, tăng 6% so cùng kỳ năm 2022.

Việc cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến hết ngày 24/2, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện phát hành 69,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, với kỳ hạn bình quân 12,32 năm, lãi suất bình quân 4,37 %/năm.

Bộ Tài chính khẳng định công tác chi ngân sách nhà nước đáp ứng các nhu cầu chi thường xuyên để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, đảm bảo an sinh xã hội, tập trung đảm bảo kinh phí tiền lương, lương hưu, trợ cấp xã hội cho các đối tượng chính sách; đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời các khoản nợ lãi đến hạn.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ đạo cuộc họp giao ban tháng 2.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ đạo cuộc họp giao ban tháng 2.

Báo cáo tại cuộc họp tại điểm cầu Tổng cục Hải quan, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn, cho biết thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 2 tăng hơn so với cùng kỳ năm 2022. Qua nắm bắt tình hình hoạt động các doanh nghiệp cho thấy các công ty đa quốc gia vẫn tăng đầu tư vào Việt Nam.

 

"Dự báo từ nay tới tháng 6 số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu không tăng nhiều do các đơn hàng không đột biến, tuy nhiên, sẽ khả quan vào các tháng cuối năm do các doanh nghiệp mở rộng sản xuất", Tổng cục Hải quan dự báo.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, ngay từ những tháng đầu năm, đơn vị cũng đẩy mạnh hoạt động chống buôn lậu và gian lận thương mại. Trong 2 tháng đầu năm, cơ quan hải quan phối hợp với cơ quan công an bắt giữ số lượng ma túy lên tới hơn 200 kg ma túy các loại.

Liên quan đến nguyên nhân giảm thu ngân sách do ngành hải quan quản lý, theo chia sẻ của đại diện Tổng cục Hải quan, do tổng trị giá xuất nhập khẩu chịu thuế của cả nước giảm 15,9% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu chịu thuế đạt 17,3 tỷ USD, giảm 15,4% so với cùng kỳ năm 2022 và kim ngạch xuất khẩu chịu thuế đạt 1,03 tỷ USD, giảm tới 22,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Cụ thể, nhóm các mặt hàng nguyên liệu, máy móc thiết bị, phụ tùng nhập khẩu phục vụ sản xuất như: than, sắt thép và kim loại các loại, sản phẩm sắt thép hóa chất, sản phẩm hóa chất, chất dẻo, sản phẩm chất dẻo, máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 6,8 tỷ USD, chiếm tới 39% tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế, với kim ngạch giảm sâu từ 10-50% so với cùng kỳ. Đây là lý do khiến giảm thu ngân sách khoảng 5.700 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, tình hình thu ngân sách nhà nước tại hầu hết các cục hải quan tỉnh, thành phố đều cho thấy dấu hiệu giảm mạnh. Trong đó, 9/10 cục hải quan tỉnh, thành phố có số thu chiếm 87% dự toán thu của toàn ngành giảm thu mạnh.

Thống kê cho thấy số thu của 10 cục hải quan tỉnh, thành phố trong 2 tháng chỉ đạt 50.601 tỷ đồng, chỉ bằng 13,59% dự toán được giao.

THU ĐỘT BIẾN TẠO ĐIỂM NHẤN 

Tại điểm cầu Tổng cục Thuế, Quyền Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành, cho biết thu nội địa tháng 2 đạt gần 100 nghìn tỷ đồng. Trong tháng 2 có một số khoản thu tăng đột biến, lên tới hơn 73 nghìn tỷ đồng, góp phần làm tăng thu thuế trong tháng qua.

 

Tuy nhiên, "cũng có một số khoản thu giảm sâu như thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản và chứng khoán giảm", lãnh đạo Tổng cục Thuế thông tin.

Bên cạnh đó, công tác quản lý thuế thương mại điện tử đang tiếp tục được triển khai trên diện rộng, hiện đã có 46 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài.

Cũng theo Tổng cục Thuế, trong thời gian gần đây, cơ quan thuế tiếp tục phát hiện thêm một số nhà cung cấp nước ngoài chưa đăng ký, kê khai thuế… cơ quan thuế sẽ có văn bản đôn đốc để các công ty trên thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Về triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, Tổng cục Thuế đã xây dựng lộ trình thực hiện theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ ngày 15/12/2022 đến ngày 31/3/2023; giai đoạn 2 từ ngày 1/4/2023. Trong đó tập trung triển khai đối với các ngành, lĩnh vực trực tiếp đến người tiêu dùng như: ăn uống, nhà hàng, khách sạn, bán lẻ hàng tiêu dùng, siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí…

Tính đến ngày 5/3 đã có hơn 5.310 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền thành công, đạt 136,2% so với kế hoạch giai đoạn 1 đã đề ra, với số lượng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 920.077 hóa đơn.

Về thành lập trung tâm cơ sở dữ liệu hoá đơn điện tử, ngày 18/1 vừa qua, Tổng cục Thuế đã trình báo cáo Bộ Tài chính về việc thành lập Trung tâm xây dựng cơ sở dữ liệu hoá đơn điện tử.

Hiện Tổng cục Thuế đang thực hiện rà soát, bổ sung nhân lực, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện lại quy chế hoạt động, bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật để trước mắt sớm thành lập bộ phận xây dựng cơ sở dữ liệu hoá đơn điện tử của Tổng cục Thuế đặt tại Ban Quản lý rủi ro.

KHẨN TRƯƠNG THỰC HIỆN CÁC ĐỀ ÁN CHỐNG THẤT THU THUẾ

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, nhấn mạnh ngành tài chính như mạch máu trong cơ thể, do đó, các chính sách tài chính phải đảm bảo góp phần hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tài chính đã kịp thời trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Đồng thời, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

“Đây là hai văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc là nút thắt trong thời gian qua, được dư luận đánh giá cao”, Bộ trưởng khẳng định.

Chỉ đạo về nhiệm vụ công tác trong tháng 3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lưu ý các đơn vị quản lý thu ngân sách nhà nước như thuế, hải quan tập trung đánh giá và lên các phương án quản lý thu thuế, đảm bảo nguồn thu về cho ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng đề nghị cơ quan thuế, hải quan cần đánh giá kỹ tác động có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước, để từ đó kịp thời có giải pháp phù hợp.

Giao nhiệm vụ cho Tổng cục Thuế, Bộ trưởng đề nghị đơn vị tập trung chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu và đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế suất tối thiểu toàn cầu của OECD để báo cáo bộ, trình cấp có thẩm quyền ban hành.

 

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng giao nhiệm vụ cho Tổng cục Thuế cần khẩn trương triển khai hiệu quả các dự án như: phần mềm quản lý chuyển nhượng bất động sản; tập trung quản lý sàn thương mại điện tử trong nước và sàn thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm chống thất thu thuế; làm chặt chẽ, chắc chắn công tác hoàn thuế để tránh thất thoát thuế...

Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đề nghị Tổng cục Thuế đẩy mạnh hơn nữa công tác hỗ trợ doanh nghiệp. Song song với đó là quyết liệt triển khai nhanh xây dựng Trung tâm cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử, sớm xây dựng công cụ kiểm soát hóa đơn điện tử bằng trí tuệ nhân tạo nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, kiểm tra giám sát, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng hóa đơn điện tử...

Bộ trưởng cũng đặc biệt lưu ý toàn ngành trong thời gian tới tiếp tục tập trung vào công tác hoàn thiện xây dựng chính sách pháp luật tài chính, như: tiếp tục nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng 3 đề án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) để đăng ký vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đề án đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương.

Cùng với đó, toàn ngành tiếp tục nghiên cứu các chính sách về thuế để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; triển khai quyết liệt các giải pháp điều hành, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ....

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate