Hội thảo khoa học với chủ đề: "Giải pháp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu", diễn ra vào sáng ngày 24-2-2023 đã cập nhật tiến độ thực thi thuế tối thiểu toàn cầu ở các nước và đề xuất một số giải pháp nhằm tận dụng cơ hội tăng thu ngân sách nhà nước, đồng thời giữ vững năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam. Hội thảo do Tạp chí Nhà đầu tư thuộc Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổ chức tại Hà Nội.
CUỘC ĐUA XUỐNG ĐÁY ĐƯA CÁC NƯỚC ĐẾN THẤT BẠI
Chia sẻ tại hội thảo, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), khẳng định Việt Nam được các tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia, nhà đầu tư đánh giá là có lợi thế to lớn đối với FDI. Những năm gần đây, Việt Nam đang nổi lên như một cứ điểm sản xuất một số mặt hàng công nghệ cao của thế giới.
Về tình hình FDI Việt Nam, chúng ta thu hút hơn 140 quốc gia FDI, các đối tác lớn chủ yếu từ Đông Á, nhiều năm qua là Hàn, Nhật, Singapore, tổng số nguồn vốn đăng ký chiếm gần nửa tổng vốn FDI vào Việt Nam. Đài Bắc, Hong Kong, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan trong top 10 đối tác FDI lớn.
Tuy nhiên, trích dẫn một báo cáo có tựa đề "Hướng tới chính sách thuế bền vững trong khối ASEAN: Trường hợp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp”, Chủ tịch VAFIE nêu rõ một thực trạng bất cập đó là thực tế các nước thành viên ASEAN đang cạnh tranh với nhau trong một cuộc đua xuống đáy bằng cách hạ thấp mức thuế thu nhập doanh nghiệp và liên tục đưa ra các ưu đãi thuế cao đối với các nhà đầu tư, thay vì chú trọng vào yếu tố chủ chốt là xây dựng môi trường kinh doanh.
"Cuộc đua xuống đáy là một trò chơi mà tất cả các nước thành viên tham gia đều thua cuộc, ông Mại thẳng thắn nhìn nhận.
Theo đó, trong 10 năm qua, thuế suất trung bình thuế thu nhập doanh nghiệp của khu vực đã giảm từ mức trung bình 25,1% năm 2010 xuống còn 21,7% năm 2020, mức thuế suất trung bình thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp giảm 9,4 điểm phần trăm.
Vì lý do đó, ASEAN trở thành một trong những khu vực có mức thuế thu nhập doanh nghiệp thực nộp sau ưu đãi thuế thấp nhất trên thế giới.
Thông tin tại hội thảo cho thấy, theo một số tính toán, trong khi thuế suất phổ thông là 20% thì thuế thực tế với các doanh nghiệp FDI Việt Nam trong kỳ ưu đãi trung bình là 12,3%, trong đó, một số tập đoàn lớn chỉ ở mức vài phần trăm.
Tuy nhiên, cạnh tranh thuế và ưu đãi thuế trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hành vi chuyển giá, trốn thuế.
Cụ thể, Thái Lan, Indonesia và Malaysia ước tính mất ít nhất từ 6-9 điểm phần trăm doanh thu thuế thu nhập doanh nghiệp do hành vi chuyển lợi nhuận của các công ty đa quốc gia.
Tại Việt Nam, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp Việt Nam đối với các doanh nghiệp FDI thực nộp trong lĩnh vực sản xuất chỉ là 8% trong năm 2016. Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước nộp 14,5%, các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn nộp 16%.
Khi thuế suất tối thiểu toàn cầu được áp dụng thì có thể một số tập đoàn lớn sẽ phải nộp thêm một phần thuế bổ sung ở nước khác nơi họ có trụ sở chính.
Như vậy, lợi ích trước đây là phần ưu đãi họ được hưởng thì nay sẽ không còn nữa hoặc giảm đáng kể. Hiệu lực chính sách ưu đãi đầu tư sẽ bị giảm hiệu lực trong nhiều trường hợp. Rõ ràng, việc chính thức áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% sẽ có nhiều tác động tới các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
KHÔNG THỂ CHẬM TRỄ
Các chuyên gia tại hội thảo nhấn mạnh yêu cầu Việt Nam cần hành động ngay, không được chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu - Trụ cột 2 nằm trong khuôn khổ chương trình hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS), bởi các quốc gia khác đang chuẩn bị rất quyết liệt và sẽ áp dụng chính sách về thuế tối thiểu toàn cầu ngay từ năm 2024.
Từ đó, sẽ không bị đánh mất quyền thu thuế, đồng thời, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước và nhà đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam và tiếp tục thu hút được các dự án đầu tư trọng điểm trong giai đoạn mới.
Thông tin cụ thể hơn về hai trụ cột thuế doanh nghiệp toàn cầu, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính, cho hay năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng các nền kinh tế phát triển G20 đã thống nhất về nguyên tắc giải pháp hai trụ cột nhằm giải quyết các vấn đề thuế phát sinh trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Trong đó, trụ cột 1 quy định phân bổ thuế đối với hoạt động kỹ thuật số, trụ cột 2 quy định về thuế suất tối thiểu toàn càu.
Trong tháng 10/2021, diễn đàn toàn cầu BEPS ban hành tuyên bố khung hai trụ cột này với sự đồng thuận của 137 nước thành viên (hiện là 139 nước thành viên).
Các nước trong G20 theo đó đồng thuận tuyên bố hai trụ cột nhằm giải quyết thách thức phát sinh và kêu gọi diễn đàn xây dựng quy tắc mẫu, hiệp định đa phương thống nhất nhằm đảm bảo hiệp định mới có quy tắc mới đảm bảo hiệu lực toàn cầu từ năm 2023. Tuy nhiên, sau khi chỉ thị Liên minh Châu Âu thông qua vào ngày 16/12/2022 sau khi bị trì hoãn do sự phản đối của Ba Lan, Hungary, hiệp định mới dự kiến thực hiện vào năm 2024.
Đối với quy tắc thuế suất tối thiểu, từ năm 2024 được áp dụng ở trên 21 nước nước EU và một số nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản… Hàn Quốc là nước đầu tiên tuyên bố áp dụng thuế tối thiểu từ 2022 nhưng cần thông qua Luật và Nghị định quy định chi tiết vấn đề này, do đó, Hàn Quốc dự kiến trong năm 2023 ban hành.
Còn Nhật Bản công bố áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trong tháng 2/2023, trong đó, việc áp dụng quy tắc thuế tối thiểu, khoản thanh toán mức chịu thuế dưới mức thuế tối thiểu và Nghị viện thông qua và cần ban hành 1/4/2023, và hiệu lực 1/4/2024...
Các nước ASEAN cũng đang rà soát, đánh giá tác động chính sách đối với đầu tư; nghiên cứu sửa đổi chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý, nhiều quốc gia như: Malaysia, Indonesia, Thái Lan... đã có những động thái thay đổi chính sách thuế, các giải pháp duy trì ưu đãi đối với các dự án đang hoạt động và "giữ chân" các nhà đầu tư nước ngoài...
Tuy nhiên, tại Việt Nam, theo ông Lưu Đức Huy, Bộ Tài chính hiện mới có nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính về tình hình triển khai trụ cột 2 và Thủ tướng đã thành lập tổ công tác đặc biệt đề xuất thuế tối thiểu toàn cầu vào tháng 8/2022.
Thủ tướng cũng giao một Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng. Để triển khai, Bộ Tài chính cũng thành lập nhóm giúp việc, trong đó có thành phần là các đơn vị chức năng như Tổng cục Thuế, vụ hợp tác quốc tế, vụ tài chính doanh nghiệp…
CHẬM NHẤT ĐẾN THÁNG 6 CẦN TRÌNH PHƯƠNG ÁN SỬA CÁC LUẬT LIÊN QUAN
Do đây là cuộc chạy đua với thời gian nên Chủ tịch VAFIE Nguyễn Mại kiến nghị cần phải thực hiện một loạt giải pháp.
Đầu tiên, cần nghiên cứu đầy đủ các văn bản của G7, G20, OECD có liên quan đến cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, tham khảo quy định của một số nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước thành viên ASEAN, từ đó, chọn lọc những nội dung phù hợp với Việt Nam để sử dụng trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật thuế.
Hai là, cần rà soát các quy định ưu đãi đầu tư của Việt Nam có liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, đối chiếu với các văn bản của G7, G20 và OECD để loại bỏ những quy định không tương thích.
Từ một số quy định của các nước phù hợp với điều kiện của nước ta, lựa chọn để áp dụng khi điều chỉnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp.
Ba là, cần nghiên cứu hoàn thiện chính sách pháp luật về thuế đối với các tổ chức nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam nhưng phát sinh hoạt động kinh doanh và thu nhập tại Việt Nam, đây là điều kiện cần để đánh thuế đối với các tập đoàn công nghệ đa quốc gia.
Bốn là, cần tiến hành đàm phán lại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần để cập nhập, bổ sung các khái niệm về cơ sở thường trú trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và kinh tế số, thay đổi một số nội dung có liên quan đến việc áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn của hai nước.
Năm là, đánh giá thiệt hại về số thuế thu nhập doanh nghiệp mà các quốc gia hay vùng lãnh thổ nơi đóng trụ sở chính của các tập đoàn đa quốc gia sẽ hưởng lợi.
Sáu là, cần đàm phán với từng công ty xuyên quốc giachịu tác động của cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu để thỏa thuận về giải pháp cùng có lợi thông qua chính sách và cơ chế thích hợp.
Bảy là, cần định ra thời gian thực hiện các công việc có liên quan đến áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
"Chậm nhất đến ngày 30/6/2023, hoàn thành kiến nghị của Tổ công tác để Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án sửa Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Thuế, cùng với các văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư có liên quan", ông Mại nhấn mạnh.
Sau đó, Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm để lấy ý kiến các đại biểu, làm các thủ tục biểu quyết thông qua việc sửa đổi nhiều luật bằng một luật để Luật sửa đổi có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2024.
Cuối cùng, cũng cần đẩy nhanh hơn và có hiệu quả hơn cuộc cải cách nền hành chính quốc gia bao gồm tinh giản bộ máy nhà nước, tinh giản và nâng cao đạo đức, năng lực quản trị nhà nước của công chức, viên chức, giảm thiểu thủ tục hành chính và tình trạng sách nhiễu, chuyển sang chính phủ điện tử, chính phủ số trong quản lý đầu tư và kinh doanh.