Trước đây, sản phẩm ngao của tỉnh Thái Bình, Nam Định chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Hiện nay, nhiều công ty đã liên kết với nông dân nuôi ngao sạch, cấp đông để xuất khẩu sang các thị trường lớn và khó tính, đặc biệt là những lô hàng đầu tiên xuất khẩu vào châu Âu mở ra triển vọng lớn cho người nuôi ngao.
Vùng ven biển các huyện Tiền Hải, Thái Thụy (tỉnh Thái Bình) và Giao Thủy, Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định) từ nhiều năm nay đã trở thành vựa nuôi ngao thương phẩm lớn nhất cả nước. Trước đây, nông dân nuôi ngao chỉ bán cho thương lái, để tiêu thụ nội địa hoặc bán sang Trung Quốc với giá rất thấp, chỉ từ 10.000-20.000 đồng/kg.
Xuất vào những thị trường khó tính
Theo UBND huyện Tiền Hải, 7 tháng đầu năm 2017, các hộ nuôi ngao trong huyện đã thu hoạch được 27.000 tấn ngao thương phẩm. Điều đáng mừng là đã có 5.000 tấn ngao xuất khẩu, trong đó có 2.000 tấn đi vào Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Công ty TNHH nghêu Thái Bình đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến ngao tại cụm công nghiệp Cửa Lân, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, mở ra quy trình sản xuất ngao đông lạnh nguyên con. Với dây chuyền máy móc thiết bị được đầu tư gần 20 tỷ đồng, đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường khó tính, nên ngao đã thâm nhập được vào Nhật Bản, Mỹ và EU.
Giám đốc công ty cho hay, do ngao là loại nhuyễn thể vỏ nên trọng lượng rất nặng, trong khi giá bán lại rẻ. Giá cước vận tải lại cao, nên nếu tiêu thụ nội địa, công ty sẽ bị lỗ. Hơn nữa, thông thường, khi nhập hàng trong nước, công nợ thường bị kéo dài, chưa kể tới khả năng khó thu hồi nợ. Trong khi đó, xuất khẩu ngao đi nước ngoài lại được thanh toán trực tiếp, chi phí vận chuyển giảm, giá bán lại cao hơn. Xuất khẩu mới chính là hướng đi bền vững, đem lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm ngao nuôi.
Ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho hay, huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 30.000 tấn ngao nguyên liệu. Những năm qua, sản phẩm ngao chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Từ lô hàng đầu tiên xuất khẩu sang châu Âu vào tháng 6/2017, đến nay đã có hơn 20 container hàng ngao sạch của Nam Định đến thị trường này và được đón nhận, mở ra triển vọng lớn cho xuất khẩu ngao sạch và cơ hội cho nông dân nuôi ngao. Hiện giá ngao xuất khẩu vào châu Âu khoảng 2,5 USD/kg, cao gấp đôi so với ngao xuất sang Trung Quốc.
Đảm bảo an toàn từ vùng nguyên liệu
Ngao Nam Định xuất sang châu Âu là nhờ Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam (Tập đoàn Lenger Seafoods Hà Lan) đầu tư xây dựng nhà máy tại cụm công nghiệp An Xá, Tp.Nam Định với mục tiêu sản xuất ngao sạch để xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Đây là mô hình quản lý theo chuỗi từ khu vực nuôi, người nuôi đến quy trình thu hoạch, vận chuyển và xử lý trong nhà máy đồng bộ, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của đối tác.
Theo ông Nguyễn Hồ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Thủy sản Lenger Việt Nam, để có thể xuất khẩu ngao Việt Nam sang châu Âu, sản phẩm ngao sạch Lenger được thu mua từ những vùng nuôi đã được kiểm tra môi trường nước bảo đảm an toàn, sạch bệnh. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho nhà máy, công ty ký hợp đồng liên kết sản xuất, thu mua ngao từ các vùng nguyên liệu trong tỉnh đã được chứng nhận đảm bảo yêu cầu tại huyện Nghĩa Hưng và Giao Thủy.
Ngoài ra, công ty sẽ thu mua ngao từ các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng và Ninh Bình.
Sau khi thu hoạch, ngao được đưa về nhà máy chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại, khép kín từ khâu làm sạch đến bảo quản. Tại đây, ngao được làm sạch bởi dòng nước chảy liên tục để loại bỏ tạp chất, sau đó tiếp tục được chuyển sang hệ thống công nghệ diệt sạch vi khuẩn và khử mặn, làm sạch hoàn toàn và đóng gói.
Sau khi đóng gói, ngao được làm lạnh đột ngột để bắt đầu chế độ ngủ đông và vận chuyển đi tiêu thụ. Nhờ chế độ bảo quản này cùng với việc đóng trong hộp nhựa PP chuyên dụng, đã giúp ngao sống được nhiều ngày trong tủ lạnh, kho mát ở nhiệt độ 4 - 8 độ C.
Hiện Công ty Lenger đã ký được đơn hàng xuất khẩu 4.000 tấn ngao sạch vào Italia. Dự kiến sau những lô hàng đầu tiên, công ty sẽ triển khai các đơn hàng xuất sang Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp.
Theo ông Trần Xuân Lại, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Nam Định hiện Nam Định đang xây dựng, hoàn thiện chuỗi liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên địa bàn. Nam Định đã thiết lập các vùng kiểm soát, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trong thu hoạch theo tiêu chuẩn châu Âu.
Từ năm 2016, Chi cục đã triển khai Chương trình giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm trong thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tập trung vào các nội dung: phổ biến quy trình kiểm soát đến các hộ nuôi và triển khai lấy mẫu nước, mẫu nhuyễn thể vùng nuôi để giám sát định kỳ; cấp 657 giấy chứng nhận xuất xứ cho hơn 13.000 tấn ngao cung cấp cho các nhà máy sử dụng nguyên liệu chế biến xuất khẩu cũng như cho các siêu thị, chợ tại Hà Nội và Tp.HCM.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate