Hồi đáp kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết cầu chợ Chùa theo kiến nghị của cử tri nêu trên là cầu sông Giăng trên Quốc lộ 46C (Km105+970) được xây dựng năm 1987 với quy mô nhỏ, tải trọng khai thác thấp.
Đây là cây cầu dân sinh quan trọng phục vụ đi lại cho bà con nhân dân 10 xã vùng Cát Ngạn với trung tâm huyện. Ban đầu cầu này do Sở Giao thông vận tải Nghệ An quản lý. Năm 2017, Tỉnh lộ 533 được nâng cấp thành quốc lộ 46C nên tuyến đường và cầu được chuyển giao cho Cục Quản lý đường bộ II quản lý.
Hiện tại, cầu không còn phù hợp và không đồng bộ với tải trọng, lưu lượng ngày càng tăng trên tuyến nên không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, lưu thông hàng hóa cũng như việc phát triển kinh tế của địa phương hai bên sông Giăng. Bất cập này không chỉ tạo nên nút thắt, điểm nghẽn giao thông, ảnh hưởng đến năng lực vận tải, khả năng khai thác mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người và phương tiện qua cầu.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc nghiên cứu đầu tư cầu thay thế là cần thiết. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Đường bộ Việt Nam tổng hợp cầu Sông Giăng vào danh mục dự án cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới thay thế các cầu yếu trên một số tuyến quốc lộ để dự kiến đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Tuy nhiên, nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải được Quốc hội thông qua chủ yếu tập trung đầu tư các dự án động lực quan trọng, cấp bách theo các nguyên tắc, tiêu chí của Quốc hội, Chính phủ nên chưa thể cân đối bố trí đầu tư dự án này, trong đó có cầu sông Giăng.
Để chuẩn bị sẵn hồ sơ dự án, chủ động trình cấp có thẩm quyền khi cân đối được nguồn lực đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 1584/QĐBGTVT ngày 06/12/2023 giao Cục Đường bộ Việt Nam lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Sông Giăng, Km105+970, Quốc lộ 46C, tỉnh Nghệ An.
Để sớm đầu tư cầu sông Giăng, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 2 rà soát, nghiên cứu đầu tư cầu Sông Giăng trong dự án cải tạo cầu yếu trên các quốc lộ sử dụng vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hợp tác và Phát triển kinh tế (EDCF) của Chính phủ Hàn Quốc.
Giai đoạn 1 của dự án tiến hành cải tạo theo hình thức xây mới 6 cây cầu, gồm: cầu Bến Mới (Quốc lộ 38B, Nam Định), cầu Đoan Hùng (Quốc lộ 2, Phú Thọ), cầu Xóm Bóng (Quốc lộ 1C, Nha Trang), cầu Đa Phúc (Quốc lộ 3, nằm giữa Hà Nội và Thái Nguyên), cầu Sông Trường và Nước Oa (Quốc lộ 40B, Quảng Nam).
"Tuy nhiên, do chưa xác định nguồn vốn dư của dự án nên chưa đủ điều kiện để triển khai", Bộ Giao thông vận tải thông tin.
Trước mắt, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam bố trí hệ thống báo hiệu đầu cầu, tăng cường công tác kiểm tra, bảo dưỡng cầu như: thay thế các tấm bản mặt cầu bị hư hỏng, bảo dưỡng mố neo, cáp treo, sơn sửa hệ kết cấu thép, lan can.
Đồng thời, lắp giá long môn tại hai đầu cầu để khống chế khổ giới hạn cầu, bố trí hệ thống biển báo chỉ dẫn, cảnh báo, phân luồng từ xa để đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác.
Cuối năm 2023, Cầu Sông Giăng từng được đề xuất xây mới với tổng chiều dài đầu tư khoảng 2,1km, trong đó phần cầu chính dài 284m.
Điểm đầu tại Km 103+200, Quốc lộ 46C thuộc địa phận xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương. Điểm cuối tại Km 106+150, Quốc lộ 46C thuộc địa phận xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải cũng từng nhận được Văn bản 9417 ngày 28/11/2022 của UBND tỉnh Nghệ An về việc đầu tư xây dựng cấp bách công trình cầu Sông Giăng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An và Văn bản 1988 ngày 16/12/2022 của Cục Đường bộ Việt Nam về công tác quản lý, bảo trì cầu Sông Giăng, Km105+970, Quốc lộ 46C, tỉnh Nghệ An.