UBND tỉnh Nghệ An vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào thi đua ”Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2023, triển khai kế hoạch năm 2024.
Theo thông tin tại hội nghị, trong 3 năm qua, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình nông thôn mới tại Nghệ An là hơn 39.000 tỷ đồng.
Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình chiếm 10,02%; Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án chiếm 8,5%; Vốn tín dụng chiếm 72,3%; Vốn doanh nghiệp chiếm 3,98% và vốn nhân dân đóng góp chiếm 5,2%.
Điểm nổi bật trong giai đoạn 2021 – 2023, UBND tỉnh Nghệ An hỗ trợ cho các địa phương hơn 302.000 tấn xi măng, tương đương khoảng hơn 1.729km đường giao thông nông thôn mới. Nâng tổng số km giao thông đã xây dựng, nâng cấp được của toàn tỉnh Nghệ An từ khi thực hiện chương trình đến nay là 11.889 km, với tổng kinh phí hơn 14.646 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh này có 39 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh Nghệ An có 319/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Có 212 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân tiêu chí nông thôn mới cả tỉnh là 17 tiêu chí/xã.
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tại Nghệ An đến hết năm 2023 đạt khoảng 40,5 triệu đồng/người/năm, tăng 8,5 triệu đồng/người/năm so với cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, các địa phương tại Nghệ An đã xây dựng được 374 Vườn chuẩn nông thôn mới, 483 sản phẩm được công nhận OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh Nghệ An có được đến nay là 567 sản phẩm.
Hội nghị cũng nêu rõ, dù đạt được nhiều kết quả, song thực tế triển khai thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới tại tỉnh này vẫn còn gặp một số vướng mắc, hạn chế cần phải tháo gỡ, một số vấn đề mới nảy sinh. Hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ở cấp Trung ương chậm được ban hành, một số hướng dẫn của một số bộ, ngành cao hơn so với quy định của Thủ tướng Chính phủ nên thiếu khả thi.
Kết quả đạt chuẩn xã nông thôn mới của một số vùng tại tỉnh Nghệ An vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn, chưa bền vững. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn nông thôn mới còn hạn chế, đặc biệt là tiêu chí môi trường, thu nhập, an ninh trật tự xã hội; nhiều địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nhưng rà soát lại theo bộ tiêu chí của giai đoạn 2021-2025 lại không đạt. Chất lượng các công trình cơ sở hạ tầng sau khi đạt chuẩn ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên...
Trước những khó khăn, vướng mắc trên, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung phân tích, làm rõ những mặt được, những mặt chưa được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần khắc phục, tác động, ảnh hưởng của Chương trình đến phát triển kinh tế - xã hội của từng xã, huyện và cả tỉnh, qua đó rút ra bài học kinh nghiệm.
Ông Đệ yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của chương trình theo chức năng, nhiệm vụ được giao, bám sát các định hướng trọng tâm; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả của chương trình. Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả Chương trình.