Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ cao rộng 94 ha. Trong đó có 5 khu công nghiệp thuộc khu kinh tế Đông Nam với diện tích quy hoạch là 4.532 ha và 6 khu công nghiệp ngoài khu kinh tế Đông Nam với diện tích quy hoạch là 1.660 ha.
Hiện tại, 6/11 khu công nghiệp đã được đầu tư xây dựng hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khu công nghiệp đã thành lập là 41,9%. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn quy hoạch phát triển 53 cụm công nghiệp, trong đó có 24/53 cụm công nghiệp đã thu hút được doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh với tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 81%.
Thưa ông, sau đại dịch, Nghệ An đặt ra các mục tiêu lớn như thế nào để sớm phục hồi, phát triển kinh tế?
Sau khi Chính phủ quyết định chuyển hướng ứng phó linh hoạt với dịch bệnh Covid-19, tỉnh Nghệ An đã tiên phong thực hiện chủ trương này. Chúng tôi khẩn trương phục hồi phát triển kinh tế bằng các chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và xúc tiến thu hút đầu tư với các dự án FDI.
Ngày 24/1/2022, UBND tỉnh đã ban hành quyết định 235 về việc phê duyệt Đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025.
Theo đề án này, Nghệ An sẽ tập trung thu hút các dự án sản xuất công nghiệp vào khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nghệ An phấn đấu đến năm 2025 sẽ lấp đầy diện tích đã xây dựng hạ tầng trong các khu công nghiệp VSIP, WHA giai đoạn 1, Hoàng Mai 1.
Song song, Nghệ An sẽ triển khai đầu tư hoàn thành hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp Hoàng Mai 2, Thọ Lộc, WHA giai đoạn 2, tăng tỷ lệ lấp đầy 100% các cụm công nghiệp đang hoạt động và 60% các cụm công nghiệp đang xây dựng.
Lấp đầy các khu công nghiệp là nhiệm vụ không dễ, để hoàn thành nhiệm vụ này chắc chắn Nghệ An sẽ có rất nhiều việc cần làm sớm?
Nghệ An đã có những bước đi rất cụ thể. Tỉnh đã tiến hành rà soát, cập nhật để tích hợp vào quy hoạch của tỉnh các nguồn lực phát triển kinh tế, từ tài nguyên thiên nhiên đến nguồn lực lao động và hạ tầng. Hiện nay, quy hoạch tỉnh đang được xây dựng, tích hợp, dự kiến trong khoảng tháng 8/2022 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đó là cơ sở để tỉnh phát triển kinh tế trong thời gian tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung khai thác thế mạnh về nguồn lực lao động. Nghệ An hiện đang xây dựng chiến lược đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực vừa phục vụ cho các tập đoàn, doanh nghiệp vào đầu tư tại Nghệ An, vừa tạo điều kiện cho người lao động có thể xuất khẩu lao động.
Ngoài ra, chúng tôi nỗ lực cải thiện các thủ tục hành chính, quy trình thẩm định dự án, đến nay môi trường đầu tư của Nghệ An đã được cải thiện rất nhiều, tỉnh đã và đang thu hút rất tốt các doanh nghiệp nước ngoài như Tập đoàn Goertek, Tập đoàn Ju Teng... và các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp như VSIP, WHA... nhờ đó đã tạo ra hạ tầng tương đối đồng bộ cho các nhà đầu tư thứ cấp vào Nghệ An.
Đại diện doanh nghiệp Goertek, doanh nghiệp Everwin sau khi nhận được giấy phép tại Nghệ An đã phát biểu, họ không tin rằng chỉ trong 10 - 15 ngày đã có thể hoàn thành các thủ tục cho các dự án rất lớn để chính thức đầu tư vào Nghệ An...
Chỉ riêng 3 tháng đầu năm 2022, tỉnh cũng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 16 dự án với tổng số vốn đăng ký là 954,67 tỷ đồng. Điều chỉnh 12 lượt dự án, trong đó điều chỉnh tổng vốn đầu tư 5 dự án với số vốn tăng lên 9.292,24 tỷ đồng, nâng tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 10.246,91 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện nay đã có 102 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 2 tỷ USD.
Thưa ông, nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét, Nghệ An có ưu điểm là diện tích rộng, lực lượng lao động dồi dào, nhưng việc kết nối giao thông vẫn chưa thực sự thuận lợi. Đây là một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư nước ngoài phải xem xét, tính toán rất kỹ?
Chúng tôi đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thiện hệ thống giao thông, đặc biệt là đầu tư xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò và kêu gọi đầu tư Cảng Hàng không Quốc tế Vinh để trở thành cảng vận tải hành khách, hàng hóa với quy mô gấp 2 hoặc 2,5 lần hiện nay.
Tỉnh cũng xác định rõ các nhà đầu tư hạ tầng sẽ là điểm kết nối, đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Nghệ An và trực tiếp là vào khu kinh tế Đông Nam. Vì vậy, Nghệ An sẽ tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực tài chính, có kinh nghiệm, tập đoàn đa quốc gia, hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng có giá trị, tham gia thị trường khu vực và toàn cầu.
Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, tỉnh sẽ không xem xét mở rộng, gia hạn hoạt động đối với những dự án khai thác tận dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Vì vậy, chúng tôi tập trung thu hút mời gọi và lựa chọn các dự án điện tử, hàng tiêu dùng và chế tạo, lắp ráp cơ khí ô tô và sản xuất chuỗi sản phẩm nông nghiệp xanh, các chế phẩm dược liệu và sau đó là chế phẩm sau dược liệu; hiện có hai nhà đầu tư đang nghiên cứu để đầu tư nhà máy chế phẩm về y tế. Đó là định hướng chiến lược của tỉnh để khai thác các thế mạnh của địa phương, đó là tài nguyên thiên nhiên và khí hậu cũng như nguồn lực lao động dồi dào tại địa bàn tỉnh.
Thời điểm này, Nghệ An nói chung và các địa phương khác đều nỗ lực phục hồi kinh tế nhưng vẫn phải đảm bảo xanh, bền vững. Tuy nhiên, mỗi tỉnh lại có điều kiện khác nhau. Đối với Nghệ An, phải khẳng định là sẽ có những bất lợi so với nhiều địa phương khác là trung tâm kinh tế lớn ở hai đầu đất nước như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng hay TP.Hồ Chí Minh…
Nhưng chúng tôi tin rằng, đến năm 2023, tuyến cao tốc sẽ được thông tới Nghệ An và đây là một trong những điều kiện rất tốt cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư của tỉnh. Vì vậy, Nghệ An đang rốt ráo chuẩn bị hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ để đón sóng đầu tư hậu đại dịch.