March 02, 2023 | 16:00 GMT+7

Nghệ An thêm gần 600 tỷ đồng vốn đầu tư cho dự án cảng nước sâu Cửa Lò

Nguyễn Thuấn -

Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng nước sâu Cửa Lò được khởi công từ năm 2010 với tổng vốn 3.300 tỷ đồng. Sau nhiều năm đình trệ, đến năm 2021 dự án tái khởi động...

Cảng Cửa Lò, Nghệ An
Cảng Cửa Lò, Nghệ An

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An vừa thống nhất đề nghị chấp thuận điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cảng nước sâu Cửa Lò tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc.

Dự án trên thuộc Khu kinh tế Đông Nam do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển vận tải Quốc tế làm chủ đầu tư.

Dự án được Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ vốn và tư vấn đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển vận tải quốc tế đã thuê tổ chức tư vấn thiết kế Japan Port Consultant Ltd chủ trì khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ quy hoạch, thiết kế, cùng sự tham gia hợp tác của các tổ chức tư vấn khác (Royal Haskoning Việt Nam của Hà Lan thẩm tra, Dohwa Engineering Hàn Quốc, ESG Việt Nam).

Ngày 07/12/2010, lễ khởi công xây dựng dự án  được triển khai với quy mô xây dựng gồm: 1 bến tàu cho tàu 30.000 DWT, dài 252 m; 1 bến tàu cho tàu 50.000 DWT, dài 285 m…

Dự án có công suất 4-5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Diện tích sử dụng đất là 20 ha. Tổng vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn khách quan dự án đã bị đình trệ nhiều năm.

Đến đầu năm 2021, dự án được tái khởi động, trong đó đã triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu hành chính và kho bãi (hậu phương cảng giai đoạn 1).

Theo điều chỉnh, dự án được cập nhật bổ sung diện tích sử dụng mặt biển theo quy định của Luật Biển Việt Nam và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/2/2021 của Chính phủ. Theo đó, diện tích mặt đất và mặt biển sử dụng gồm: Diện tích mặt đất sử dụng cho khu hậu phương cảng là 20 ha. Diện tích mặt biển sử dụng cho khu cảng nước sâu xa bờ 200 ha.

Quy mô dự án gồm Khu cảng gồm 1 bến tàu cho tàu 30.000 DWT và 1 bến tàu cho tàu 50.000 DWT. Các hạng mục công trình hạ tầng hàng hải khác gồm: Tuyến đê chắn sóng dài 1.470 m, luồng tàu và các thiết bị báo hiệu an toàn hàng hải. Tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.896 tỷ đồng, tăng thêm 596 tỷ đồng so với trước đây.

Hạ tầng cảng biển Nghệ An tới thời điểm hiện tại vẫn chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, cung cấp hàng hóa bằng đường biển. Hiện nay, cảng Cửa Lò đang khai thác với các loại tàu từ 20.000 – 30.000 DWT giảm tải, sản lượng đạt khoảng 6 triệu tấn/năm. 

Trong khi đó, nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa trong giai đoạn tới của tỉnh Nghệ An là 20 - 30 triệu tấn nên không đảm bảo được yêu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, do đó nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải đi qua các cảng khác tại khu vực Bắc Trung Bộ như: Vũng Áng (Hà Tĩnh), Nghi Sơn (Thanh Hóa) và cảng Hải Phòng,…

Để tạo động lực và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn sở nghiên cứu các bước để triển khai đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, thành phố như: dự án Đầu tư XD và KD Cảng nước sâu Cửa Lò tại xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, Cảng hàng không Quốc tế Vinh, dự án đầu tư xây dựng cầu dẫn nối Quốc lộ 7C với Cảng nước sâu Cửa Lò.

Một trong các nhiệm vụ chính của tỉnh Nghệ An trong năm 2023 là nỗ lực, quyết tâm cao nhất để sớm hoàn thành thủ tục, khởi công 2 dự án hạ tầng Cảng biển nước sâu Cửa Lò và mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Vinh.

Tại cuộc làm việc trong phiên họp thường kỳ tháng 2/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, việc trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy là giai đoạn thống nhất để triển khai điều chỉnh chủ trương đầu tư; sau đó mới tiến hành các thủ tục đầu tư để đảm bảo khởi công dự án.

Sau khi được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, UBND tỉnh Nghệ An sẽ chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam phối hợp với nhà đầu tư thực hiện các thủ tục để đạt được tiến độ khởi công như mong muốn vào cuối quý II/2023.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate