UBND tỉnh Nghệ An vừa có Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Nghệ An tháng 12/2023.
Theo nội dung thông cáo này, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh này ước tăng 6,16% so với cùng kỳ; một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có mức tăng khá như: thiếc chưa gia công, thức ăn gia súc, đường, điện thương phẩm…
Về dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh này ước đạt 13.543,36 tỷ đồng, gấp 1,46 lần so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch ước đạt 350.000 lượt, doanh thu du lịch ước đạt 366 tỷ đồng. Thu ngân sách của Nghệ An năm 2023, ước thực hiện 18.000 tỷ đồng, đạt 114% dự toán. Chi ngân sách ước thực hiện hơn 35.660 tỷ đồng, bằng 107,5% dự toán. Trong tháng 12, Nghệ An có 136 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 781 tỷ đồng.
Tại phiên họp thường kỳ vào sáng 25/12 của UBND tỉnh Nghệ An, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An thông tin, tính đến ngày 22/12/2023, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới cho 116 dự án, tăng 3,6 lần so với năm 2022; điều chỉnh 185 lượt dự án. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh tăng thêm là 57.891 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch cả năm (30.000-35.000 tỷ đồng). Đặc biệt, tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm đã đạt trên 1,6 tỷ USD, tăng 66,8% so với năm 2022, xếp thứ 8 tỉnh, thành phố trên cả nước; trong đó thu hút vào địa bàn Khu Kinh tế Đông Nam đạt 1,595 tỷ USD.
Lũy kế toàn tỉnh Nghệ An đã thu hút được hơn 130 dự án đầu tư FDI đến từ 14 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 4 tỷ USD. Tính chung cả giai đoạn 5 năm, từ năm 2019 đến nay, vốn FDI của Nghệ An đạt khoảng 3,4 tỷ USD; chiếm 85% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư từ trước đến nay.
Nghệ An đã thu hút thành công được nhiều tập đoàn lớn của thế giới tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ điện tử, năng lượng xanh như: Luxshare - ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy, Shangdong, Sunny..., bước đầu hình thành những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: công nghệ, điện tử, năng lượng, thép, sản xuất linh kiện ôtô,... Mặc dù kết quả còn khiêm tốn nhưng đây được xem là kết quả đáng ghi nhận sau 27 năm kể từ khi Nghệ An thu hút được dự án FDI đầu tiên.
Trong năm nay, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ, kết nối cung cấp 8.000 lao động cho các doanh nghiệp FDI và năm 2024 dự kiến nhu cầu lên 15.000 đến 20.000 lao động.
Năm 2024, Nghệ An tiếp tục đặt mục tiêu vào tốp 10 địa phương thu hút FDI cao của cả nước. Hiện, tỉnh đang gấp rút triển khai công tác giải phóng mặt bằng để triển khai Khu công nghiệp VSIP Nghệ An II diện tích 500 ha (tại Khu công nghiệp Thọ Lộc, Diễn Châu) và Khu công nghiệp Hoàng Mai II diện tích hơn 334 ha (tại thị xã Hoàng Mai) để sẵn sàng đón các nhà đầu tư.