Đây là khẳng định của Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào chiều 1/12/2021. Cuộc họp nhằm đánh giá lại những thành quả đạt được và những điểm chưa thành công sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Gọi tắt là Nghị quyết Tam nông).
NGÀNH NÔNG NGHIỆP CẦN ĐỊNH HƯỚNG LẠI NHIỀU VẤN ĐỀ
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết Nghị quyết Tam nông được ban hành vào năm 2008. Thời điểm đó ngành nông nghiệp đang gặp phải rất nhiều vấn đề, nông dán chán nản với đồng ruộng vì thu nhập quá thấp, nông nghiệp hàng hóa đã hình thành nhưng còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Nông thôn mới cũng chỉ là khái niệm ban đầu, Dòng người rời bỏ nông thôn ra đô thị với mong muốn đóng góp nguồn lao động cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thời điểm đó, còn chưa có khái niệm chuyển đổi số trong nông nghiệp, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng chưa lan tới Việt Nam. “Năm 2008, chúng ta cũng chưa nhắc tới khái niệm VUCA: biến động - bất định - phức tạp - mơ hồ. Qua đó có thể thấy một Nghị quyết mang tầm nhìn dài hạn mà phải đối mặt với những yếu tố bất ổn định như vậy sẽ tồn tại nhiều vấn đề, nhiều tư duy cần phải thay đổi, nhiều chương trình cần được cụ thể hóa, linh hoạt hóa”, ông Lê Minh Hoan chia sẻ.
"Thời kì hậu Covid-19, một dòng người từ thành thị trở về nông thôn đã cho thấy 3 đỉnh trong tam giác nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần có những cách tiếp cận rất khác so với hơn 10 năm trước".
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trước đây, ngành nông nghiệp có thể tự hào khi khu vực nông thôn đã đóng góp nguồn lao động cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thế nhưng với bối cảnh hiện nay, ngành nông nghiệp phải nhìn nhận lại, định hướng lại vấn đề quan trọng này.
“Giờ đây, chúng ta không chỉ đánh giá ngành nông nghiệp thông qua 14% tăng trưởng GDP mà còn cần đánh giá nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong một cấu trúc kinh tế, xã hội để có thể đạt được sự phát triển bền vững. Cần phải nhấn mạnh lại một lần nữa: Nông nghiệp không chỉ là trụ đỡ của nền kinh tế mà còn là thước đo, sự bền vững của quốc gia”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050.
Trong dự thảo Chiến lược, mục tiêu đề ra từ nay đến năm 2025, tăng trưởng ngành nông nghiệp mỗi năm đạt 2,5 - 3,0%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 50 tỷ USD vào năm 2025; cả nước có ít nhất 80% số xã, 50% đơn vị cấp huyện, 15 tỉnh đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thu nhập dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020.
Mục tiêu đến năm 2030, tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn trên 10%/năm; có ít nhất 90% số xã, 70% đơn vị cấp huyện, 25 tỉnh đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thu nhập dân cư nông thôn tăng gấp 3 lần năm 2020; lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn 15%; tỷ lệ che phủ rừng ổn định đạt 42 - 43%, nâng cao năng suất, chất lượng rừng.
Tầm nhìn tới năm 2045, Việt Nam phấn đấu trở thành một nước có nền nông nghiệp hiện đại. Người dân nông thôn có mức sống tương xứng tương đương của nước phát triển có thu nhập cao. Nông thôn văn minh, thịnh vượng, điều kiện sống ngang bằng các đô thị văn minh, kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh, kết nối chặt chẽ, hài hoà với quá trình đô thị hóa và thích ứng với biến đổi khí hậu; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.
VẬN HỘI MỚI ĐẾN CÙNG NHIỀU THÁCH THỨC
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá, nghị quyết số 26 đã đưa ra những nền tảng quan trọng cho 3 vấn đề lớn: nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời kì Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Sau 13 năm thực hiện, ngành nông nghiệp của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc.
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm với những thành tựu to lớn. Thu nhập bình quân ở nông thôn tăng nhanh, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh với tốc độ trung bình 1,5%/năm, hết năm 2020, mức chung còn 4,2%.
"Giai đoạn 2008 - 2020, ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng khá cao với tốc độ trung bình 2,94%/năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 8,17%/năm và cán cân thương mại liên tục xuất siêu. Nông sản Việt Nam đã xuất hiện trên hầu hết các thị trường quốc tế với 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam trở thành một trong những cường quốc về nông sản. Vấn đề về an ninh lương thực và đói nghèo đã cơ bản được giải quyết".
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế trung ương.
Song bên cạnh những thành tựu đạt được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn bộc lộ nhiều tồn tại, như: tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững; nhiều vật tư đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu; Công nghiệp chế biến phát triển chậm, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường chưa vững chắc.
Nhiều địa phương có xu hướng tập trung phát triển thiên về công nghiệp tăng thu ngân sách, chưa chú trọng đúng mức phát triển nông nghiệp, kể cả những vùng có lợi thế về nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới chưa gắn kịp với đô thị hóa, công nghiệp hóa.
"Trong giai đoạn mới với bối cảnh mới, ngành nông nghiệp đứng trước nhiều vận hội nhưng cũng nhiều thách thức. Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại những chuyển biến nhanh chóng về công nghệ cũng như kinh tế số. Bên cạnh đó, thiên tai dịch bệnh ngày càng phức tạp, đặc biệt biến đổi khí hậu đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước cũng như khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn" Trưởng Ban Kinh tế Trung ương lưu ý.
“Các vấn đề xã hội liên tục nảy sinh trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa tạo ra những phân tầng xã hội ngày càng sâu sắc. Hậu quả và tác động của đại dịch Covid-19 đang tiếp tục ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt là những người yếu thế, trong đó người nông dân là đối tượng chiếm phần lớn”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bối cảnh và yêu cầu mới với nhiều biến đổi vừa tạo ra những thuận lợi mới, cơ hội mới nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn mới cho cả ba vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta.
Đảng ta tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp phát triển đất nước và được thể hiện rất rõ trong Văn kiện Đại hội Đảng XIII: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp số, thích ứng với biến đổi khí hậu…