Nói về nông nghiệp, nông dân và nông thôn hiện nay thì có rất nhiều điều để nói, tích cực có, tiêu cực có, vui cũng có mà buồn cũng không ít.
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đã mở đầu như vậy trong phần phát biểu của mình trước Quốc hội tại phiên thảo luận ngày 5/6 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Trước đó, trong báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách đầu tư cho “tam nông” nói trên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày cũng đã chỉ ra những ưu, nhược điểm của quá trình thực hiện chính sách này.
Theo đó, ngoài một số kết quả đạt được nhất định trong việc đầu tư vốn, hạ tầng, tạo việc làm, giảm hộ nghèo… quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn vẫn tồn tại và bộc lộ vô số những hạn chế, đặc biệt là trong vấn đề xây dựng pháp luật.
Cụ thể, theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mặc dù Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhưng nhu cầu thực tế rất lớn, vì vậy chưa phát huy hết tiềm năng trong nông nghiệp, nông thôn, chưa tương xứng với tỷ lệ dân số Việt Nam gắn với nông nghiệp, nông thôn, chưa có chính sách, giải pháp hữu hiệu để huy động được nhiều nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp và toàn xã hội cho khu vực này.
Đặc biệt, qua giám sát cho thấy, vốn FDI đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn rất thấp và có xu hướng giảm dần, từ tỷ lệ 8% trong tổng cơ cấu FDI của cả nước năm 2001 giảm xuống còn 1% năm 2010. Tính chung cả thời kỳ 1990-2010, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn mới thu hút được khoảng 738 dự án (không kể các dự án chế biến thực phẩm) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,3 tỷ USD, chiếm 2,3% trong tổng số vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Ngoài ra, những hạn chế, vướng mắc trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như thực hiện Luật đất đai, đầu tư hỗ trợ vốn, huy động sức dân...cũng đã phần nào kéo lùi mục tiêu của Đảng và Nhà nước về tam nông.
Chẳng hạn, trong khi Nhà nước ta mong muốn có một nền sản xuất hàng hóa lớn, tập trung thì chính việc khống chế hạn điền trong sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân của Luật đất đai đã ảnh hưởng đến quá trình tích tụ ruộng đất, ngăn cản việc tạo ra những vùng sản xuất chuyên canh lớn có điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cho nông nghiệp.
Cùng với đó, quy định liên quan đến công tác giải phóng mặt, giải quyết quan hệ giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng đất; giữa quyền của Nhà nước (đại diện sở hữu toàn dân về đất đai) khi thực hiện thu hồi đất vẫn còn nhiều bất cập; sự khác nhau giữa mức đền bù của các dự án, do giá đất khác nhau giữa các địa phương liền kề; chính sách, giá bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất luôn thay đổi,... là những vướng mắc chưa được tập trung xử lý.
Còn về thời hạn sử dụng đất, đến nay một số loại đất đã gần hết thời hạn nhưng Nhà nước chưa có chủ trương, quyết định cụ thể đã khiến cho nông dân không yên tâm mạnh dạn đầu tư.
Ngay cả việc hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy móc thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn theo chỉ đạo của Thủ tướng thì lại quy định thời hạn hỗ trợ lãi suất quá ngắn, nên các hộ nông dân nghèo không có khả năng hoàn vốn đúng hạn. Đó là chưa nói đến điều kiện, thủ tục cho vay chặt chẽ hơn so với điều kiện, thủ tục cho vay thông thường.
Đồng thuận với báo cáo trên, trong phần phát biểu của mình, hầu hết các đại biểu đều chỉ ra những nghịch lý, bất cập của công tác đầu tư cho tam nông hiện nay.
Đại biểu Hồ Thị Thủy cho rằng, thời gian qua, trước cơn suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như ở nước ta, hàng loạt doanh nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa thua lỗ, ngừng sản xuất, phá sản, song sản xuất nông nghiệp trong đó có doanh nghiệp, nông nghiệp, thủy sản tuy cũng gặp khó khăn nhưng vẫn trụ được.
Nhiều vùng nông thôn lại trở thành hậu phương vững chắc cho lao động bị mất việc từ các thành phố và khu công nghiệp quay trở về. Nông nghiệp không chỉ nuôi sống toàn dân, xuất khẩu thu ngoại tệ lớn…nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, thu nhập của nông dân vẫn rất thấp và không ổn định đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến bộ mặt nông thôn và vị thế của người nông dân.
Với khoảng 70% dân số sống ở khu vực nông thôn và chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nhưng lại hưởng rất ít những lợi nhuận từ sản phẩm của mình làm ra và luôn gánh chịu nhiều rủi ro do thiên tai dịch bệnh, giá cả không ổn định, được giá thì mất mùa, được mùa thì rớt giá và thiếu thông tin thị trường…
Viện dẫn cho sự bất cập trong một số chính sách đầu tư cho tam nông trong thời gian qua, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cho rằng, Thủ tướng đã có phê duyệt quyết định hỗ trợ lãi suất vốn vay cho nông dân mua máy giúp nông dân có điều kiện đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất và hạn chế tổn thất sau thu hoạch. Song chủ trương này chỉ hỗ trợ đối với các loại máy móc có tỷ lệ nội địa hóa trên 60% trở lên, trong khi thực tế phản ảnh của các cử tri, nông dân rằng các con "trâu sắt" sản xuất trong nước không đủ sức kéo cày.
Đại biểu Bé cho biết, dù không muốn đề cao hàng ngoại, song thực tế chất lượng công nghệ máy móc của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu đã khiến cho nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất khổ sở với một số máy nội địa. Họ buộc phải mua máy móc ngoại để đáp ứng kịp thời mùa vụ đã khiến chủ trương hỗ trợ của Chính Phủ không có nhiều ý nghĩa.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) lại dẫn chứng, do bất cập trong chính chính sách xóa đói giảm nghèo đã tạo nên một tư tưởng ỷ lại, người dân thích làm hộ nghèo mà không muốn vươn lên thoát nghèo.
Đại biểu cho hay, qua tiếp xúc với cử tri của Quảng Bình, nhiều cử tri đã phản ánh hiện nay hộ nghèo không có nhà được xây nhà, thiếu ăn được cấp gạo, đau ốm có bảo hiểm y tế, không phải nộp tiền điện, tiền an ninh quốc phòng.
“Điều đó lý giải vì sao hộ nghèo lại có một sức hấp dẫn kỳ lạ đối với rất nhiều hộ nông dân hiện nay. Chính vì thế đã dẫn đến những mâu thuẫn nảy sinh giữa cán bộ thôn, bản với những hộ không được công nhận là hộ nghèo, mâu thuẫn giữa hộ cận nghèo và hộ nghèo…”, đại biểu Phương nói.
Một đại biểu đoàn Cà Mau cho rằng, mang tiếng là hỗ trợ hộ nghèo nhưng trên thực tế có những chính sách rất khó khả thi. Chẳng hạn như chính sách hỗ trợ 10 triệu đồng một hộ để mua đất cất nhà ở và cho vay không lãi 10 triệu đồng, áp dụng cho đồng bằng sông Cửu Long tổng số là 20 triệu đồng để mua đất sản, nhưng muốn nuôi tôm hay trồng lúa thì cũng phải có diện tích một vài ha, tương đương với hàng chục triệu đồng. Nếu chỉ hỗ trợ như vậy thì hộ nghèo cũng không thể mua đất làm nhà hay sản xuất được.
"Chính sự bất cập, nửa vời trong chính sách cho tam nông hiện nay, nên mỗi tấn gạo xuất khẩu, mặc dù chất lượng như nhau nhưng nông dân Việt Nam phải chịu thiệt khoảng 150 USD so với nông dân Thái Lan", một đại biểu nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate