Không còn nóng rực như ở các kỳ họp đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, song vấn đề nợ xấu ở phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội hôm 8/6 vẫn xuất hiện trong các đánh giá trái chiều.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình chăm chú lắng nghe các ý kiến, dù ông không được mời đăng đàn như một số phiên thảo luận khác.
Nhận định nợ xấu rất khác nhau
Một trong các vấn đề được trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, đại biểu Huỳnh Nghĩa nhấn mạnh là vấn đề xử lý nợ xấu.
Đến nay nợ xấu trong nền kinh tế đã bị VAMC “bắt nhốt” lại, nhưng đó mới chỉ là nhốt lại, xích lại, nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên và đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế, ông Nghĩa nói.
Điều quan ngại, theo ông Nghĩa, là nợ xấu “chưa được xử lý theo nguyên tắc thị trường”, khi qua 3 năm VAMC mới chỉ bán được 2-3% nợ xấu.
“Theo đà này thì bao giờ chúng ta xử lý hết nợ xấu?”, đại biểu Nghĩa sốt ruột.
Nhưng, không phải ai cũng có cùng đánh giá này.
Nhắc lại việc đại biểu Trần Du Lịch ví nợ xấu như “cục máu đông”, làm tắc nghẽn thị trường tín dụng khi kinh tế Việt Nam trong tình trạng đặc biệt khó khăn 3 năm trước, đại biểu Phan Văn Quý đánh giá: “Cục máu đông này, hiện nay cơ bản đang chảy”.
Tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ cũng cho thấy nhận định về nợ xấu còn rất khác nhau.
Nhiều ý kiến nhận xét, việc giải quyết nợ xấu ngày càng chủ động hơn, nợ xấu đã giảm dần. Tuy nhiên, một số vị đại biểu khác lại cho rằng, về bản chất, nợ xấu vẫn chưa giảm, tỉ lệ còn cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc xử lý nợ xấu còn khó khăn, nhất là về thủ tục phát mại tài sản, khả năng xử lý nợ của VAMC còn hạn chế.
Có ý kiến thì băn khoăn về khả năng nợ xấu vẫn có thể phát sinh sau khi VAMC phát hành trái phiếu để xử lý tài sản thế chấp của doanh nghiệp.
Có đại biểu cũng đề nghị việc đánh giá nợ xấu cần phải thực chất, chính xác và nghiêm túc hơn. Một số vị vẫn băn khoăn về tính khả thi của chỉ tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3% vào cuối năm 2015.
Tái cơ cấu ngân hàng là “điểm sáng nhất”
Bên cạnh nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng cũng là vấn đề được nhiều vị đại biểu đề cập.
“Công bằng mà nói, trong ba lĩnh vực trọng tâm thì tái cơ cấu ngân hàng là điểm sáng nhất, được triển khai mạnh mẽ và có tác dụng tích cực đến nền kinh tế”, đại biểu Trần Ngọc Vinh nhận xét.
Tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ cũng cho thấy, nhận định của nhiều vị đại biểu là tái cơ cấu các ngân hàng thương mại đã đạt kết quả bước đầu, giúp giải quyết được một số vấn đề về thanh khoản, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ hệ thống do nợ xấu.
Phát biểu sáng 8/6, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) đề nghị, trong thời gian tới cần tiếp tục xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, mà theo bà, một trong những cách hữu hiệu nhất là Nhà nước trực tiếp mua lại toàn bộ cổ phần của ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và trở thành chủ sở hữu duy nhất của ngân hàng.
Như vậy, sẽ “giúp cho Nhà nước hoàn toàn chủ động trong việc tái cơ cấu ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, hạn chế việc gia tăng các rủi ro của ngân hàng yếu kém sang các tổ chức tín dụng khác, tận dụng được năng lực tài chính, quản trị, điều hành và kinh nghiệm của các ngân hàng thương mại Nhà nước mà không bắt các ngân hàng này phải gánh chịu các tổn thất”, đại biểu Yến nói.
Theo đại biểu Yến, cần tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng sáp nhập, hợp nhất, mua lại theo nguyên tắc tự nguyện để vừa xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, vừa hình thành nên các tổ chức tín dụng có quy mô và năng lực cạnh tranh lớn hơn.
Với lĩnh vực ngân hàng, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu được đánh giá là “rất ấn tượng”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương bày tỏ chính kiến.
Con số ấn tượng được đại biểu Cương nêu là từ đầu nhiệm kỳ tính đến cuối tháng 4/2015, hệ thống tổ chức tín dụng đã giảm 15 tổ chức, trong đó có 9 ngân hàng thông qua hình thức sáp nhập, mua lại theo đúng quy định của pháp luật.
“Tuy nợ xấu còn, nhưng các ngân hàng yếu đã được quản lý tốt hơn, từng bước cho sát nhập, hoặc Nhà nước mua lại với mức giá bằng 0, tạo được niềm tin trong nhân dân”, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cùng quan điểm.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate