Được coi là nghịch lý trước hết khi vị thế trong quan hệ xuất/nhập khẩu hạt điều 4 tháng ngược chiều so với các năm trước.
Theo đó, trong quan hệ xuất/nhập khẩu hạt điều của Việt Nam với nước ngoài, Việt Nam đã chuyển vị thế từ xuất siêu tương đối lớn trong các năm trước và trong cùng kỳ năm trước sang nhập siêu lớn trong 4 tháng đầu năm nay. Đây là một trong những yếu tố góp phần làm cho mức xuất siêu chung của cả nước trong 4 tháng năm nay bị giảm so với cùng kỳ năm trước (1,63 tỷ USD so với 2,59 tỷ USD, với tỷ lệ xuất siêu 1,6% so với 3,2%).
NGUYÊN NHÂN CHỦ YẾU CỦA VIỆC ĐẢO CHIỀU
Trước hết là do kim ngạch xuất khẩu hạt điều có xu hướng giảm qua các năm, trong khi kim ngạch nhập khẩu hạt điều tuy có xu hướng giảm trong các năm trước nhưng tăng đột ngột lớn trong 4 tháng đầu năm nay (xem biểu đồ 2). Theo đó, 4 tháng 2021 so với cùng kỳ năm trước giảm 1,7%, thì nhập khẩu tăng tới 313%.
Kim ngạch xuất khẩu hạt điều có xu hướng giảm như trên không phải do lượng hạt điều xuất khẩu giảm mà còn ngược lại là liên tục tăng (xem biểu đồ 3).
Năm 2020 so với năm 2016 tăng 48,4%, bình quân một năm tăng gần 10,4%; 4 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước tăng 15,2%- Đó là tốc độ tăng rất cao, một mặt do lượng hạt điều nhập khẩu tăng, một phần do sự nỗ lực trong việc duy trì và phát triển cây điều.
Được coi là nghịch lý, bởi điều là thế mạnh của Việt Nam. Diện tích cây điều liên tục được duy trì ở mức trên dưới 300 nghìn ha, nhưng những năm gần đây đã thấp xa so với đỉnh điểm (379 nghìn ha vào năm 2010). Sản lượng hạt điều năm 2020 đã đạt 340 nghìn tấn, cao nhất từ 2016, nhưng vẫn còn thấp hơn đỉnh điểm (352 nghìn tấn vào năm 2015).
Nguyên nhân thứ hai là do giá xuất khẩu hạt điều bị giảm gần như liên tục trong thời gian qua (xem biểu đồ 4). Theo đó, giá xuất khẩu hạt điều năm 2020 so với năm 2016 giảm 23,9%, bình quân một năm giảm 6,6%; 4 tháng năm 2021 giảm tới 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những tốc độ giảm khá lớn và kéo dài.
XUẤT/NHẬP KHẨU HẠT ĐIỀU XÉT THEO THỊ TRƯỜNG
Thị trường xuất khẩu hạt điều của Việt Nam có khoảng trên 30 nước và vùng lãnh thổ. Trong 4 tháng đã có 20 thị trường mà Việt Nam xuất khẩu hạt điều đạt trên 1 nghìn tấn, trong đó có 5 thị trường đạt trên 5,5 nghìn tấn (Mỹ 45,7 nghìn, Trung Quốc gần 22 nghìn, Hà Lan trên 19,9 nghìn, Đức trên 5,5 nghìn, Canada trên 5,5 nghìn). Có 17 thị trường đạt trên 10 triệu USD, trong đó 5 thị trường đạt trên 30 triệu USD (Mỹ 251,4 triệu, Trung Quốc 158,8 triệu, Hà Lan 92,8 triệu, Canada 37,4 triệu, Đức 32,9 triệu). Có 19 thị trường tăng kim ngạch xuất khẩu; số thị trường giảm ít hơn, nhưng mức độ giảm nhiều hơn, trong đó giảm lớn (trên 10 triệu USD) lớn nhất là Mỹ, Đức, Hà Lan.
Thị trường nhập khẩu hạt điều của Việt Nam tập trung vào 6 thị trường (xem biểu đồ 5).
Trong 6 thị trường, có 5 thị trường tăng, trong đó có thị trường có mức tăng rất cao, như Campuchia lên tới hàng tỷ USD (đã góp phần làm cho Việt Nam chuyển từ xuất siêu 957,5 triệu USD trong 4 tháng đầu năm 2020 sang nhập siêu 713,9 triệu USD trong năm nay); Tanzania tăng trên 100 triệu USD, trở thành một trong 80 thị trường xuất/nhập khẩu lớn của Việt Nam; Bờ biển Ngà tăng trên 60 triệu USD, góp phần làm cho Việt Nam nhập siêu từ thị trường này trong 4 tháng đầu năm nay cao hơn cùng kỳ năm trước (62,8 triệu USD so với 6,8 triệu USD).
Lượng nhập khẩu từ 6 thị trường này chỉ có Indonesia là giảm (17,9 nghìn tấn so với 25,5 nghìn), còn 5 thị trường khác tăng lớn, như Campuchia (836,7 nghìn so với 161,1 nghìn), Tanzania (131,8 nghìn so với 54,9 nghìn), Bờ biển Ngà (76 nghìn so với 18,7 nghìn), Gana (23,3 nghìn so với 16 nghìn), Nigieria (9,8 nghìn so với 3,7 nghìn).
Nghịch lý trên có thể xuất hiện khi nguồn cung nguyên liệu (hạt điều) năm trước và đầu năm nay bị đứt gãy và được dự đoán có thể còn tiếp tục bị đứt gãy trong năm nay, hoặc có thể được dự báo khả năng giá cả sẽ còn tăng cao, nên tăng lượng nhập khẩu để dự phòng, đón đầu; nhưng cần cẩn trọng vì nó ảnh hưởng đến người trồng điều, ảnh hưởng đến cán cân thương mại, cán cân thanh toán tổng hợp, ổn định tỷ giá... Đây đều là những nội dung của kinh tế vĩ mô.
https://epaper.vneconomy.vn/files/2021/05/25/tcktso41/index.html