Lạm phát cả năm ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên mức 69,97%, cao nhất 2 thập kỷ, trong tháng 4 vừa qua – theo số liệu chính thức được công bố ngày 5/5. Bên cạnh sự mất giá chóng mặt của đồng Lira trong năm 2021, sự tăng giá ở nước này còn bị thổi bùng bởi giá năng lượng và hàng hoá cơ bản leo thang trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine.
Nhưng thay vì tăng lãi suất để chống lạm phát, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ - dưới sức ép từ Tổng thống Tayyip Erdogan – đã giảm lãi suất 5 điểm cơ bản từ tháng 9 năm ngoái tới nay và chưa hề có ý định nâng lãi suất để chống lạm phát. Theo hãng tin Reuters, giới chuyên gia cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ giảm mạnh lãi suất là một nguyên nhân khiến lạm phát càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Dữ liệu từ Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này tăng 7,25% trong tháng 4 so với tháng 3. Trong một cuộc khảo sát của Reuters, các nhà phân tích dự báo mức tăng 6%. Mức tăng CPI so với cùng kỳ năm ngoái là 69,97%, trong kh dự báo là tăng 68%.
“Lạm phát cao như vậy một phần do giá lương thực-thực phẩm và năng lượng tăng, và cũng còn bởi chính sách tiền tệ sai lầm của Thổ Nhĩ Kỳ”, chiến lược gia Timothy Ash của Bluebay Asset Management nhận định.
Do ông Erdogan gây sức ép, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ lãi suất 5 điểm phần trăm từ tháng 9 tới nay, khiến đồng Lira càng giảm giá sâu hơn. Sẵn đà từ trước, lạm phát ở nước này càng bị đẩy lên cao hơn nữa bởi sự mất giá của đồng nội tệ và ảnh hưởng từ chiến tranh Nga-Ukraine.
Giao thông – nhóm bao gồm giá năng lượng - là nhóm tăng mạnh nhất trong CPI tháng 4 của Thổ Nhĩ Kỳ, với mức tăng 105,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đó là nhóm lương thực-thực phẩm và đồ uống không có cồn với mức tăng 89,1%.
Nếu so với tháng trước, lương thực-thực phẩm và đồ uống không có cồn là nhóm tăng mạnh nhất, với mức tăng 13,38%, tiếp đó là nhóm nhà ở với mức tăng 7,43%.
Đồng Lira rớt giá thêm 0,9% so với đồng USD, xuống mức 14,8525 Lira đổi 1 USD sau khi thống kê trên được công bố.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đương đầu với tốc độ lạm phát chóng mặt trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội nước này dự kiến diễn ra vào tháng 6/2023. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Erdogan đang suy giảm.
Chính phủ của ông Erdogan quả quyết rằng lạm phát sẽ giảm trong quá trình thực thi chương trình kinh tế mới. Chương trình này ưu tiên lãi suất thấp để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nhằm đạt mục tiêu thặng dư cán cân vãng lai.
Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế dự báo lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ còn cao trong thời gian còn lại của năm nay. Dự báo bình quân của các nhà phân tích về tỷ lệ lạm phát ở nước này vào cuối năm nay là 52%.
Ngoài ra, thâm hụt cán cân vãng lai của Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng mạnh. Theo số liệu mới nhất, thâm hụt cán cân vãng lai của nước này trong tháng 2 năm nay là 5,15 tỷ USD, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, do giá năng lượng nhập khẩu tăng mạnh.
Lần gần đây nhất lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ cao như hiện nay là cách đây 20 năm. Tháng 2/2002, lạm phát ở nước này lên tới 73,1%.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã triển khai một số biện pháp như giảm thuế đối với hàng hoá cơ bản và trợ cấp tiền điện để giảm bớt gánh nặng ngân sách cho các hộ gia đình. Tuy nhiên, lạm phát chưa có dấu hiệu sớm hạ nhiệt.
Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ dự báo lạm phát cả năm sẽ đạt đỉnh ở mức khoảng 70% trước tháng 6, rồi giảm về 43% vào cuối năm, trước khi tụt về mức một con số vào cuối năm 2024.
Trong 4 cuộc họp chính sách tiền tệ từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã duy trì lãi suất cơ bản ở mức 14%, nói rằng các biện pháp và động thái chính sách sẽ ưu tiên việc “Lira hoá” trên thị trường.
Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 4 của Thổ Nhĩ Kỳ tăng 7,67% so với tháng 3, trong khi mức tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 121,82%.