May 11, 2024 | 13:53 GMT+7

Nghiên cứu đầu tư 3.500 tỷ đồng làm tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền ở Đồng Tháp

Xuân Nghi -

Dự kiến, trong tháng 8/2024, dự án đầu tư nâng cấp tuyến kênh Mương Khai – Đốc Phủ Hiền qua địa phận tỉnh Đồng Tháp với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng sẽ được trình Bộ Giao thông vận tải báo cáo nghiên cứu tiền khả thi...

Kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền đi qua Đồng Tháp kết nối sông Tiền và sông Hậu. Ảnh: Viết Long.
Kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền đi qua Đồng Tháp kết nối sông Tiền và sông Hậu. Ảnh: Viết Long.

Ban quản lý các Dự án Đường thủy (Bộ Giao thông vận tải) vừa cho biết đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư nâng cấp kênh Mương Khai – Đốc Phủ Hiền và dự kiến sẽ trình báo cáo này lên Bộ vào tháng 8 tới.

RÚT NGẮN KHOẢNG CÁCH GIỮA SÔNG TIỀN VÀ SÔNG HẬU

Ngày 05/12/2023, Bộ Giao thông vận tải đã có Quyết định số 1574/QĐ-BGTVT giao nhiệm vụ Ban quản lý các Dự án Đường thủy chịu trách nhiệm triển khai thực hiện dự án đường thủy nội địa này. Địa bàn của dự án thuộc tỉnh Đồng Tháp. Sau đó, Bộ Giao thông vận tải đã nhận được kiến nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 05/01/2024 do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 494/VPCP-QHĐP ngày 22/01/2024 với nội dung “Kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm thực hiện cải tạo, nâng cấp kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền”.

Bộ Giao thông vận tải thống nhất với kiến nghị của Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về sự cần thiết và sớm thực hiện dự án đầu tư nâng cấp tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền nhằm nâng cao năng lực vận tải thủy giữa sông Tiền và sông Hậu, rút ngắn khoảng cách vận tải và giảm áp lực cho tuyến vận tải thủy qua kênh Lấp Vò - Sa Đéc và Chợ Lách - Măng Thít.

Theo dự kiến, tuyến kênh Mương Khai – Đốc Phủ Hiền, đi qua các huyện Lai Vung, Châu Thành và thành phố Sa Đéc của tỉnh Đồng Tháp, sau khi được nạo vét, nâng cấp sẽ đạt chuẩn luồng tàu kênh cấp III - đường thủy nội địa, giúp rút ngắn khoảng cách giữa sông Tiền và sông Hậu còn 20 km và gần hơn 45 km khi từ cảng Sa Đéc đi cảng Cái Cui của thành phố Cần Thơ, đồng thời ước tính giảm 30% chi phí vận chuyển.

Về hiện trạng, lòng kênh này rộng 25 - 40 m, cạn dưới 2 m, có nhiều đoạn cong và hẹp, độ tĩnh không cầu dưới 3,5 m nên tàu lớn khó lưu thông. Để triển khai dự án này, tỉnh Đồng Tháp cho biết cần phải giải phóng 130 ha mặt bằng, di dời, tái định cư hơn 1.000 hộ dân. Công trình dự kiến hoàn thành sau 4 năm thi công, tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu là 2.300 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, nhằm chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết (hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm B; báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với dự án nhóm A) để có thể triển khai ngay các bước tiếp theo khi cấp thẩm quyền cho phép sử dụng nguồn dự phòng trung hạn, nguồn tăng thu hàng năm hoặc chuẩn bị đầu tư cho kỳ trung hạn 2026 – 2030.

Mới đây, ngày 19/02/2024, đoàn công tác do lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì đã tiến hành kiểm tra, khảo sát thực địa tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền và các tuyến đường bộ kết nối tại khu vực, làm cơ sở định hướng các giải pháp kỹ thuật. Ban quản lý các Dự án Đường thủy cũng đang triển khai thủ tục lựa chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Dự án nạo vét, mở rộng luồng đường thủy kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 với kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng đã hoàn thành giúp khai thông tuyến giao thông thủy ngắn nhất từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Dự án nạo vét, mở rộng luồng đường thủy kênh Chợ Gạo giai đoạn 2 với kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng đã hoàn thành giúp khai thông tuyến giao thông thủy ngắn nhất từ TP.HCM đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Cũng tại văn bản trả lời Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp nói trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, trên cơ sở nguồn vốn được cấp thẩm quyền giao, Bộ sẽ cân đối, bố trí nguồn vốn để đầu tư nâng cấp tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ kịp thời, phối hợp chặt chẽ trong quá trình Ban quản lý các Dự án Đường thủy tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và triển khai các bước tiếp theo của dự án.

GIAO THÔNG THỦY NỘI ĐỊA ĐÓNG VAI TRÒ THEN CHỐT Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông ngòi dài hơn 28.000 km, giao thông đường thủy, vì vậy đóng vai trò then chốt của vùng. Điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thiếu đầu tư, hạ tầng yếu kém nên vận tải thủy nội địa của vùng được đánh giá chỉ mới phát triển ở vai trò tập kết, thu gom hàng hóa với quy mô chưa lớn.

Báo cáo Kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố, cho biết có đến 101 tuyến giao thông thủy nội địa qua sông, kênh, rạch với tổng chiều dài 3.186,3 km, giao thông đường bộ, vì vậy phải xây dựng rất nhiều cầu để kết nối thông suốt; đồng thời nêu nhận định: Hiện nay nhiều cây cầu không đạt chuẩn và độ tĩnh thông thuyền, gây cản trở giao thông đường sông. Tình trạng bồi lắng phù sa diễn ra nhanh, phức tạp nên việc nạo vét, nâng cấp luồng tàu đang gặp nhiều khó khăn, tốn kém chi phí trong khi hiệu quả khai thác không cao.

Báo cáo này ước tính, chi phí vận tải ở vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 30% giá thành sảnh phẩm, chưa kể, hành trình đường bộ (hầu hết vận chuyển hàng hóa từ đồng bằng sông Cửu Long đi các nơi khác đều bằng đường bộ); tuy nhanh hơn vận chuyển đường thủy nhưng tải trọng mỗi lần vận chuyển ít, chí phí vận tải cao, hạ tầng đường bộ mau hư hỏng. Trong khi đó, vận tải thủy còn có nhiều lợi thế như giá cước thấp, tải được nhiều loại hàng có khối lượng lớn, hàng hóa siêu trường, siêu trọng. Việc đầu tư hạ tầng giao thông thủy một cách đồng bộ đang là vấn đề cấp thiết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate