Hai mũi tiêm vaccine Covid-19 của Pfizer hoặc AstraZeneca mang lại hiệu quả chống lại biến chủng Delta tương tự như đối với biến chủng trước đó là Alpha – một nghiên cứu công bố ngày 21/7 cho hay.
Theo hãng tin Reuters, giới chức y tế vẫn nói rằng các vaccine hiện có đạt hiệu quả cao trong việc chống lại Delta – biến chủng hiện chiếm chủ đạo trong đại dịch Covid toàn cầu – nhưng nghiên cứu trên chỉ rõ rằng một mũi tiêm là chưa đủ để mang lại hiệu quả bảo vệ cao.
Được công bố trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine, nghiên cứu là sự xác nhận đối với những phát hiện mà cơ quan y tế Anh Public Health England đưa ra hồi tháng 5 về hiệu quả dựa trên dữ liệu từ thế giới thực của các vaccine Covid-19 sản xuất bởi Pfizer/BioNTech và Oxford/AstraZeneca.
Nghiên cứu cho thấy hai mũi tiêm Pfizer mang lại hiệu quả 88% trong việc ngăn ngừa các triệu chứng của biến chủng Delta, so với mức hiệu quả 93,7% đối với biến chủng Alpha. Kết quả này tương tự như những con số đã công bố hồi tháng 5.
Cũng theo nghiên cứu, hai mũi tiêm AstraZeneca đạt hiệu quả 67% trong việc chống lại triệu chứng của biến chủng Delta, thay vì 60% như công bố trước đó; và 74,5% trong việc chống lại triệu chứng của biến chủng Alpha, so với mức 66% trong công bố trước.
“Sau hai mũi tiêm, tác dụng của vaccine chỉ có khác biệt nhỏ giữa biến chủng Delta so với biến chủng Alpha”, các nhà nghiên cứu của Public Health England viết trong nghiên cứu.
So với nghiên cứu của Anh, một nghiên cứu của Israel mới đây cho thấy vaccine Pfizer mang lại hiệu quả thấp hơn trong việc chống lại các triệu chứng của biến chủng Delta, chỉ đạt 64%, nhưng vẫn có tác dụng 93% trong việc ngăn nguy cơ nhập viện và tử vong.
Trước đây, Public Health England cũng nói rằng mũi tiêm đầu tiên của vaccine Pfizer hoặc AstraZeneca mang lại hiệu quả bảo vệ 33% khỏi các triệu chứng của biến chủng Delta.
Nghiên cứu công bố ngày 21/7 cho thấy 1 mũi Pfizer đạt hiệu quả 36%, còn 1 mũi AstraZeneca đạt hiệu quả khoảng 30%.
“Phát hiện của chúng tôi về mức hiệu quả thấp sau mũi tiêm đầu tiên sẽ giúp đẩy mạnh nỗ lực thuyết phục người dân tiêm đủ 2 mũi, nhất là ở những nhóm có nguy cơ cao, trong bối cảnh biến chủng Delta lây lan nhanh”, các tác giả của nghiên cứu viết.