April 18, 2022 | 17:37 GMT+7

Ngổn ngang nỗi lo tuyến metro số 1 TP.HCM

Xuân Nghi -

Theo kế hoạch đến cuối năm 2022, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên sẽ chạy thử toàn tuyến và bước qua năm 2023 sẽ chính thức chạy thương mại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn lo lắng rằng, trong năm 2023, metro số 1 vẫn chỉ mới chạy thử mà thôi…

Đến nay đã có 13/17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã nhập từ Nhật Bản về TP.HCM.
Đến nay đã có 13/17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã nhập từ Nhật Bản về TP.HCM.

Hiện tại, trên toàn công trường của dự án tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, mọi việc đang được tiến hành khẩn trương, các gói thầu đang cố gắng hết công suất và chạy nước rút, trong đó có các gói thầu CP1a, CP1b, CP2, CP3…

ĐÃ HOÀN THÀNH TRÊN 90% VÀ CHỜ NGÀY CHẠY THỬ

Theo Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), tính đến nay, toàn tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đã đạt trên 90% tổng khối lượng, dự kiến đưa vào khai thác năm 2023.

Trong đó có các gói thầu đã đạt được tỷ lệ hoàn thành rất cao. Cụ thể, gói thầu CP1a (đoạn từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đạt 95%; gói thầu CP1b (đoạn đi ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 99%; gói thầu CP2 (đoạn trên cao và các depot) đạt trên 94%; CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đạt 75,08%.

 Riêng gói CP1a, hiện mặt đường Lê Lợi đang được khẩn trương thi công ngày đêm để hoàn thổ kịp trả lại mặt bằng vào trước dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 sắp tới. Ghi nhận thực tế cho thấy, phần hoàn thổ sẽ kịp hoàn thành vì hiện đã san lấp và trải nhựa đoạn từ giao lộ Pasteur đến giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đang tiếp tục san lấp đoạn còn lại đến khu vực công viên Quách Thị Trang phía trước chợ Bến Thành.

Tại ga Bến Thành, nhiều hạng mục như hệ thống chiếu sáng, lắp ống gió, trang trí nội thất,... đang được hoàn thành. Gần đó, tại ga Nhà hát Thành phố cũng đã hoàn thành phần xây dựng thô; các nhà thầu đang gấp rút thi công các hạng mục hoàn thiện nhà ga, gồm cơ điện và kiến trúc.

Một đoạn đường Lê Lợi trước Nhà hát Thành phố đến giao lộ Pasteur hiện đã được hoàn trả mặt bằng sau 7 năm bị rào chắn phong tỏa.
Một đoạn đường Lê Lợi trước Nhà hát Thành phố đến giao lộ Pasteur hiện đã được hoàn trả mặt bằng sau 7 năm bị rào chắn phong tỏa.

Tuy nhiên, hiện đang gặp trục trặc ở gói thầu tư vấn và đào tạo nằm trong gói thầu tư vấn chung của dự án. Cụ thể, phía MAUR cho biết, từ tháng 7/2020 dự án bắt đầu tổ chức đào tạo nghề cho 58 lái tàu, nhưng từ cuối năm 2020 đến nay, nhà thầu đã dừng việc đào tạo. Với các công việc tương tự khác, nhà thầu cũng chưa tổ chức đào tạo nhân sự.

Trong khi đó, phía nhà thầu cho rằng do chưa đạt được thỏa thuận về phát sinh chi phí gói thầu. Cụ thể, gói thầu tư vấn chung dự án (bao gồm đào tạo, lắp đặt thông tin tín hiệu…) được ký với Liên danh nhà thầu NJPT từ năm 2007, có giá trị gần 1.300 tỷ đồng. Quá trình thực hiện phát sinh chi phí nên các bên phải ký 18 phụ lục hợp đồng và hiện đang đề xuất thêm phụ lục thứ 19, với dự toán tăng thêm 1.669 tỷ đồng. MAUR cho biết, đây cũng là điều kiện để nhà thầu khởi động lại công tác đào tạo lái tàu và nhân sự khác. Được biết, hiện nay phụ lục hợp đồng thứ 19 đang trình Uỷ ban nhân dân TP.HCM phê duyệt để nối lại dịch vụ tư vấn cho tuyến metro số 1.

VƯỚNG MẮC CÔNG TÁC ĐÀO TẠO LÁI TÀU

Theo ông Lê Minh Triết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 TP.HCM, việc dừng chương trình đào tạo đã làm chậm trễ tiến độ đào tạo, ảnh hưởng đến tâm lý học viên.

Trước đó, vào tháng 02/2022, Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 TP.HCM đã “kêu cứu” vì không còn kinh phí để hoạt động. Việc này làm ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ để chuẩn bị vận hành thương mại tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Công ty cTNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 có quyết định thành lập năm 2015 với vốn điều lệ (được cấp vốn) 14 tỷ đồng; đến năm 2019 thì bổ nhiệm giám đốc và đi vào hoạt động. Hiện công ty chưa có nguồn thu do tiến độ xây dựng, đưa vào khai thác tuyến metro số 1 bị chậm so với dự kiến ban đầu. Từ khi thành lập đến nay, công ty chỉ được cấp vốn điều lệ là 14 tỷ để mua sắm trang thiết bị văn phòng cơ bản, còn kinh phí hoạt động vẫn chưa được ngân sách bố trí theo đề án được duyệt.

Đến nay, Công ty đã không còn đủ nguồn tạm ứng từ vốn điều lệ ban đầu để duy trì hoạt động dẫn đến khó khăn về việc trả lương, đóng các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... cho người lao động cũng như trả các chi phí điện, nước.

Được biết, dự kiến trong tháng 4/2022, các bên sẽ tiến hành ký kết phụ lục số 19 để nối lại dịch vụ tư vấn, tiếp tục công tác đào tạo nhân sự.

Chuyên gia về giao thông đô thị PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển TP.HCM, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS), ông tỏ ý nghi ngờ về thời điểm khai thác thương mại của tuyến metro số 1. Ông nói: Theo tôi, năm 2023 tuyến metro số 1 mới chỉ có thể chạy thử chứ chưa chạy thương mại được vì hiện nay dự án còn ngổn ngang nhiều việc. Các ga chưa hoàn thiện, vụ các gối cao su bị xê dịch cũng chưa tìm ra nguyên nhân để phòng ngừa. Để chạy thử phải mất vài tháng kiểm tra về tốc độ, tín hiệu, cơ sở hạ tầng kết nối, đường lên xuống; trong khi đến giờ các dịch vụ bán vé, đường gom, bến bãi… chưa có gì!

 

Việc vướng mắc kinh phí hoạt động của Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 và trục trặc ở gói thầu tư vấn và đào tạo, nếu không được tháo gỡ sớm sẽ làm ảnh hưởng việc tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ và hoàn thiện bộ máy vận hành tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate