Trong khuôn khổ Dự án thương mại đa dạng sinh học khu vực Đông Nam Á do Tổ chức Helvetas triển khai, đã có hơn 200 hộ dân người Dao ở xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái tham gia trồng quế chứng nhận hữu cơ. Nhờ vậy, đã liên kết tạo thành một chuỗi sản xuất quế xác nhận, giá bán cao gấp 1,5 lần so với bên ngoài, sản phẩm được xuất khẩu sang EU.
Đến huyện Văn Yên, đi đâu cũng gặp quế, một loài cây không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế cho mỗi gia đình, mà còn gắn bó mật thiết với đời sống văn hoá của cộng đồng người Dao nơi đây. Từ xưa, quế đã là một trong 4 vị thuốc quý. Ngày nay, quế, bột quế, tinh dầu quế càng được sử dụng nhiều hơn và không chỉ trong dược liệu mà còn là nguyên liệu mỹ phẩm, gia vị trong nhiều món ăn.
Liên kết trồng quế hữu cơ xuất khẩu
Đến đồi trồng quế của gia đình ông Triệu Toàn Phú, người dân tộc Dao ở thôn Khe Mạ, xã Phong Dụ Thượng, gặp lúc hai vợ chồng ông đang khai thác những cây quế đã lớn. Ông Phú cho biết, nhà trồng 9 ha quế, mỗi năm thu hoạch 2 vụ. Năm ngoái, giá bán vỏ quế khô là 40.000 đồng/kg. Năm nay, gia đình tham gia nhóm trồng quế theo quy trình hữu cơ, được một doanh nghiệp thu mua toàn bộ sản phẩm với giá 60.000 đồng/kg, cao gấp rưỡi so với khi bán cho thương lái.
Trồng quế theo quy trình sạch, yêu cầu không được bón phân, không được sử dụng thuốc diệt cỏ hay bất cứ hóa chất nào. Cây quế cũng không được tưới nước mà phải dựa hoàn toàn vào nước mưa. Phải ghi chép nhật ký từng ngày chăm sóc để làm tài liệu cho cán bộ dự án thực hiện thủ tục xin cấp chứng nhận sản phẩm.
Công việc chăm sóc vất vả hơn, vì hàng ngày phải làm cỏ bằng tay không để cỏ gây ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của quế. Bù lại, thu nhập cao hơn trước. Vụ thu hoạch vừa rồi, gia đình ông Phú tỉa những cây đã to, bán vỏ quế được lợi nhuận 180 triệu đồng.
Bà Phượng, thôn Làng Trạm, cho hay, gia đình có 10 ha trồng quế. Ban đầu trồng bằng phương pháp gieo hạt, phải mất 10 năm cây quế mới cho thu hoạch. Bà Phượng cho biết: "Nhà tôi thu hoạch theo kiểu thu tỉa, cứ cây to thì bóc vỏ trước, sau đó chặt cây. Thân gỗ chặt bán với giá 1,2 triệu đồng/m3. Phần gốc còn lại sẽ mọc lên chồi, những cây tái sinh sẽ chỉ 5 năm sau là đã cho thu hoạch. Với 10 ha thu hoạch bóc tỉa, năm nay được 10 tấn vỏ tươi, tương đương 5 tấn vỏ khô, bán được 250 triệu đồng".
Bà Phượng còn làm đại lý thu mua quế từ bà con nông dân tại 3 xã: Phong Dụ Hạ, Xuân Tầm và Phong Dụ Thượng rồi bán lại cho các nhà máy chế biến xuất khẩu quế. Năm nay, cơ sở của bà Phượng thu mua gom 600 tấn vỏ quế khô, trong đó có hơn 200 tấn được cấp chứng nhận quế hữu cơ.
Xã Phong Dụ Thượng hiện có 200 hộ dân trồng quế đăng ký tham gia Dự án quế hữu cơ của Helvetas. Hiện toàn bộ sản phẩm quế hữu cơ được Công ty Cổ phần Visimex thu mua để xuất khẩu sang châu Âu.
Ông Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng phòng Quản lý chất lượng ISO của Công ty Visimex cho hay: "Cách đây 5 năm, Công ty chủ yếu xuất khẩu sản phẩm quế sang Trung Quốc. Nhưng về sau nhận thấy thị trường EU, Mỹ có nhu cầu mua sản phẩm quế rất lớn, giá mua cao hơn so với Trung Quốc. Tuy nhiên, đối tác tại EU yêu cầu sản phẩm quế phải sản xuất theo quy trình hữu cơ (oganic) và phải được kiểm soát và cấp chứng nhận bởi một bên thứ ba đại diện".
Trong năm 2018, Công ty đã hình thành vùng trồng quế oganic tại Văn Yên (Yên Bái). Để bảo đảm vùng trồng oganic, Công ty đã kết hợp với Dự án Thương mại đa dạng sinh học khu vực Đông Nam Á triển khai đào tạo bà con nông dân, hướng dẫn không sử dụng thuốc hóa học, canh tác thủ công, thu gom sản phẩm bằng xe chuyên dụng, có mã vạch để bảo đảm truy suất nguồn gốc. Khâu chế biến tại nhà máy không sử dụng hóa chất bảo quản.
Đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế
Bà Nguyễn Diệu Chi, chuyên gia của Tổ chức Helvetas cho biết, Dự án thương mại đa dạng sinh học khu vực Đông Nam Á thúc đẩy thương mại bền vững trong ngành nguyên liệu tự nhiên ở Việt Nam, Lào, Myanmar, nhằm mục đích bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế cho người dân.
Dự án được triển khai từ năm 2016 đến hết năm 2020, với tổng kinh phí 5.442.306 USD do Cục kinh tế Thuỵ Sĩ tài trợ và được Helvetas triển khai thực hiện. Các đối tác chính phủ đã ký các biên bản ghi nhớ hợp tác ở 3 nước Việt Nam, Lào và Myanmar.
Sau 3 năm triển khai, hợp phần dự án tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả. Phát triển quan hệ đối tác với 11 công ty, trong đó 6 công ty đã bán các sản phẩm thương mại sinh học sang các thị trường mới trong khu vực và châu Âu.
Đặc biệt, dự án đã thiết lập được chuỗi liên kết trồng quế oganic ở xã Phong Dụ Thượng, trong đó có doanh nghiệp làm đầu tàu thu mua, chế biến sản phẩm để xuất khẩu sang EU. Mô hình trồng quế oganic đảm bảo các mục tiêu phát triển rừng, đa dạng sinh học và môi trường tài nguyên thiên nhiên.