February 15, 2023 | 10:51 GMT+7

Người lao động hưởng lợi gì khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp?

Nhật Dương -

Tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động và doanh nghiệp được thụ hưởng nhiều quyền lợi như được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi mất việc; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm…

Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng 2/2023 tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương.
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng 2/2023 tại Hà Nội. Ảnh - N.Dương.

Bảo hiểm thất nghiệp là chính sách có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động, giúp chia sẻ gánh nặng tài chính trong lúc chưa tìm được việc làm. Nhất là trong giai đoạn đại dịch vừa qua, bảo hiểm thất nghiệp được xem là phao cứu sinh giải quyết không ít khó khăn cho người lao động.

Tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được thụ hưởng nhiều quyền lợi. Một trong số này là được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo quy định tại Luật Việc làm năm 2013, trợ cấp thất nghiệp được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả cho người lao động đủ điều kiện hưởng.

Cụ thể, để nhận loại trợ cấp này, người lao động cần đáp ứng đủ các điều kiện tại Điều 49 Luật Việc làm như: Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ trừ các trường hợp như thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, chết…

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2023 được quy định tại Điều 50 Luật Việc làm 2013 như sau: Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động cũng được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm. Cụ thể, theo quy định tại Điều 54 Luật Việc làm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.

Bên cạnh đó, người lao động cũng được hỗ trợ học nghề. Căn cứ Điều 55 Luật Việc làm 2013, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hỗ trợ học nghề khi có đủ các điều kiện như: Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; đã nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ. Trừ các trường hợp như thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an; bị tạm giam; ra nước ngoài định cư; chết,…; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo. Người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Một khu vực tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh - N.Dương. 
Một khu vực tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh - N.Dương. 

Ngoài ra, chính sách bảo hiểm thất nghiệp còn hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề để duy trì việc làm. Khác với các quyền lợi trên, quyền lợi về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm được chi trả cho người sử dụng lao động.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ước tính đến hết năm 2022, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp khoảng 14,33 triệu người, bằng khoảng 31,1% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Báo cáo tổng kết năm 2022 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ghi nhận, trong 11 tháng năm 2022 có 812.755 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 29,1% so với cùng kỳ năm 2021 và 801.869 có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 29,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết trong đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) sắp tới, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng tới là công cụ quản trị thị trường lao động sẽ là một trong những nhóm chính sách trọng tâm.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate