Không ít doanh nghiệp do khó khăn về đơn hàng đã phải cắt giảm lao động, cho nghỉ việc luân phiên khiến nhiều người lao động rơi vào tình thế khó khăn, mất việc khi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán.
Báo cáo của 25 địa phương, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều về vấn đề đơn hàng là chế biến gỗ, dệt may, da giày; ngoài ra có một số ít doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch… Đến nay có 485 doanh nghiệp với hơn 630.000 lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Nam. Trong đó, có đến hơn 34.000 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động và hàng trăm nghìn lao động bị giảm giờ làm.
Riêng tại TP. HCM, theo Liên đoàn lao động thành phố, trong quý 3/2022, do ảnh hưởng của lạm phát, xung đột giữa Nga - Ukraine, giá cả nhiên liệu, một số mặt hàng tăng, tổng cầu của thế giới giảm, một số nhãn hàng hủy hợp đồng, giảm đơn hàng, dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước không có đơn hàng mới hoặc giảm đơn hàng nhất là ngành chế biến gỗ, da giày, dệt may...
Các nguyên nhân này dẫn tới doanh nghiệp buộc phải giảm giờ làm, không tăng ca, cho công nhân nghỉ việc luân phiên, ứng phép năm năm 2023, tạm hoãn hợp đồng lao động chờ đơn hàng, chấm dứt hợp đồng lao động.... Đến nay, trên địa bàn đã có khoảng 155 doanh nghiệp với hơn 50.000 người lao động bị ảnh hưởng, thu nhập của người lao động bị giảm sâu.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết thực tế hiện vẫn có những địa phương, ngành nghề đang thiếu hụt lao động và phải đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng, tuy nhiên, bên cạnh đó đã có những doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng. Chính vì vậy, Cục Việc làm đang nắm tình hình từ 63 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương, Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố, dự kiến trong tuần này Cục sẽ báo cáo Bộ, Chính phủ về bức tranh chung của tình hình việc làm.
Theo ông Bình, trước mắt, Cục Việc làm sẽ chỉ đạo các Trung tâm Dịch vụ việc làm tại các tỉnh, thành phố giải quyết ngay chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị mất việc làm. Với những doanh nghiệp cắt giảm lao động lớn cần tập trung giải quyết khó khăn cho người lao động. Lãnh đạo Cục Việc làm yêu cầu, trong quy trình giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, các Trung tâm Dịch vụ việc làm cần đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm cho lao động mất việc.
Đồng thời, Cục Việc làm cũng đề xuất đẩy mạnh đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, bởi lẽ đây cũng là cách tạo nhiều công ăn, việc làm cho người lao động; đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội tăng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm cho người lao động về quê. “Cục Việc làm sẽ đề xuất giải pháp theo nhiều tầng để hỗ trợ tối đa người lao động”, ông Bình thông tin.
Nhiều năm theo dõi lĩnh vực lao động, việc làm, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), nhìn nhận đây là giai đoạn phục hồi của thị trường lao động nên vẫn có những doanh nghiệp chịu những ảnh hưởng tiêu cực sau đại dịch. Do đó, để giảm bớt chi phí, doanh nghiệp vẫn có xu hướng cắt giảm phúc lợi, tiền lương và hợp đồng lao động.
Trong bối cảnh đó, bà Hương cho rằng các cơ quan quản lý cần có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Rieng các Trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương cần tăng cường thông tin về thị trường lao động; hỗ trợ giới thiệu việc làm cho lao động mất việc và tư vấn cho doanh nghiệp giải quyết chính sách cho người lao động.