Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời gian gần đây, tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Tính đến hết tháng 10/2021, cả nước có hơn 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tăng gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 5,45% so với cùng kỳ năm 2020.
NGUY CƠ KHÔNG CÓ LƯƠNG HƯU KHI VỀ GIÀ
Trao đổi với VnEconomy về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đánh giá, nếu tình trạng này tiếp diễn thì về lâu dài gười lao động sẽ không đảm bảo đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để có lương hưu. Đây là thiệt thòi cho cả phía người lao động cũng như hệ thống bảo hiểm xã hội, bởi những bất cập khi về già không có lương hưu cũng sẽ tạo gánh nặng cho xã hội trong bảo đảm chế độ hưu trí.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, cũng phải hiểu là trong tình cảnh hiện nay việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần phần lớn là do “cực chẳng đã”, vì không có nguồn thu nhập nào khác, hơn nữa quan niệm đó là tiền của mình nên trong bối cảnh khó khăn họ có thể được sử dụng.
“Rõ ràng đây là tiền của người lao động thì lúc khó khăn họ sẽ muốn rút, còn về lâu dài chắc chắn sẽ có những thiệt thòi không hề tốt cho cả họ và xã hội. Vừa rồi người lao động đã phải trải qua rất nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến đời sống càng bức bách đã khiến tình trạng nhận bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng cao”, bà Hương cho biết.
Từ thực tế này, theo vị chuyên gia cần có các chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho nhóm đối tượng này, có thể là các khoản vay hoặc khoản thu nhập tối thiểu nào đó để đảm bảo cuộc sống trong điều kiện hiện nay.
“Mặc dù vậy, vấn đề này cần được đánh giá hợp lý trên góc nhìn của cả người lao động và xã hội, Chính phủ cần nhanh chóng có các giải pháp hỗ trợ cho nhóm đối tượng này, không chỉ dừng lại ở các khoản thu nhập tối thiểu, về lâu dài cần có giải pháp đưa họ tham gia thị trường lao động, hỗ trợ khoản vay để sản xuất, tạo việc làm…”, bà Hương nói và cho rằng, nếu khoản tiền bảo hiểm xã hội được rút sạch nhưng không được sử dụng hợp lý sẽ không mang lại hiệu quả.
Hơn hết, người lao động sẽ mất toàn bộ số năm đóng bảo hiểm xã hội, khi muốn đóng tiếp gần như số năm trở về không, vì số năm đóng thấp nên chắc chắn mức hưởng lương hưu sẽ thấp và không đảm bảo an sinh xã hội khi về già.
“CÓ CHỜ ĐƯỢC LƯƠNG HƯU”
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng tho thấy, trong thực tế có rất nhiều trường hợp khi đã nhận bảo hiểm xã hội một lần, muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia bảo hiểm xã hội cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định về trường hợp này.
Vì vậy, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Cách hữu hiệu nhất để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu là có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hằng tháng khi về già, được cấp thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu.
Cũng cho rằng việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần là nguyên nhân chính khiến người lao động không có lương hưu, bà Nguyễn Hải Ninh, chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu dân số, lao động, việc làm cho rằng, tình trạng này diễn ra thường do người lao động cần tiền ngay và không muốn chờ đợi thêm, hoặc không muốn đóng tiếp để duy trì số năm đóng bảo hiểm xã hội.
“Chúng tôi từng khảo sát ý kiến của những người nhận bảo hiểm xã hội một lần, có người nói rằng, họ rút khoản tiền này để dùng vào những việc khác, thậm chí đầu tư để sinh lời hơn là đóng tiếp. Dù biết là sau này sẽ không có lương hưu nhưng họ nói không cần, bởi vì đến lúc nhận lương hưu không biết bản thân có chờ được nữa hay không”, bà Hải Ninh nói và cho hay đây là thực tế sẽ rất khó khăn trong thay đổi nhận thức của người lao động.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ tuổi và tập trung ở khu vực ngoài Nhà nước, độ tuổi có số người nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần nhiều nhất là từ 26 đến 29 tuổi. Người nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu là những người lao động sau 1 năm nghỉ việc không đóng bảo hiểm xã hội, số này trung bình chiếm khoảng 97%.
Trong khi đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, trong giai đoạn 2012 - 2020, mỗi năm bình quân có khoảng 700.000 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng qua từng năm đặt áp lực lớn lên nỗ lực mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, và an toàn tài chính hưu trí cho người cao tuổi trong tương lai.
Trong bối cảnh đó, cơ quan này đang đề xuất điều chỉnh quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, theo hướng chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu mà không có nhu cầu đóng tiếp.
Trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp, hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần, hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động mà nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng thấp hơn.