Thủ tướng giao TP.HCM xây 26.200 căn, thành phố sẽ phấn đấu đến năm sau đạt được chỉ tiêu này.
CÔNG NHÂN KHÓ KHĂN VỀ CHỖ Ở
Nêu ý kiến tại buổi gặp gỡ 50 người lao động tiêu biểu trong chương trình "Cảm ơn người lao động" vào chiều 11/5/2024 diễn ra tại UBND TP.HCM, anh Nguyễn Trần Đăng Minh (Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 10), chia sẻ đa số công nhân là từ tỉnh khác đến TP.HCM làm việc. Mặc dù công việc làm ở các quận, huyện nội thành nhưng do chi phí nhà ở đắt đỏ nên phần lớn dạt về vùng ven thuê nhà vì giá thuê thấp hơn. Người lao động như chúng tôi có nghe thông tin về nhà ở xã hội trên tivi, báo đài chứ thực sự không biết dự án ở đâu, mua thế nào…
“Nếu có vay vốn mua được thì hai vợ chồng làm công nhân thu nhập khoảng 15-16 triệu đồng/tháng, tiết kiệm 2 – 3 triệu đồng/tháng thì tiền đâu trả góp hằng tháng”, anh Minh bày tỏ.
Anh Phạm Quang Thắng, kỹ sư tại Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, cho biết người lao động muốn mua nhà thì được vay tối đa 900 triệu đồng, nhưng số tiền này không thể mua được nhà.
"Đề nghị thành phố tăng số tiền vay để người lao động tiếp cận được nhà ở xã hội", anh Thắng đề xuất
Bà Bùi Thị Xuân Huệ, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần May da Xuất khẩu 30-4 (TP.HCM), mong muốn thành phố quan tâm tạo điều kiện cho con em công nhân, người lao động có điều kiện học bán trú tại các trường công lập.
"Hiện tại, điều kiện để xin học bán trú rất khó. Nếu không xin vào bán trú sẽ không thể đưa đón con vì công nhân làm việc tại các xưởng, nhà máy. Không xin được bán trú trường công, phải xin bán trú trường tư thục rất tốn kém, thu nhập công nhân không thể trang trải", bà Huệ nêu thực trạng.
Còn ông Trần Anh Kiệt, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty TNHH Hitachi Zosen Việt Nam, đặt câu hỏi cụ thể thành phố sẽ có bao nhiêu căn chung cư, nhà trọ cho công nhân, lao động thuê vì có chủ trương dành quỹ đất xây dựng nhà ở cho thuê, nhà trẻ, trường học cũng như nơi sinh hoạt văn hóa giải trí cho công nhân, người lao động.
HỖ TRỢ CÔNG NHÂN MUA NHÀ Ở XÃ HỘI
Lắng nghe những băn khoăn của người lao động, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, rất đồng cảm với tình cảnh của những công nhân lao động tại thành phố. Ông Mãi cho hay, các dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM khá ít do vướng mắc về quy hoạch, diện tích đất đai và hiệu quả đầu tư doanh nghiệp chưa nhiều.
Để giải quyết vấn đề này, ông Mãi đưa ra 03 hướng giải quyết: xây dựng nhà trọ, khai thác nhà cho thuê và nhà ở xã hội.
Theo ông Mãi, nhà trọ là thiết thực nhất với công nhân. TP.HCM yêu cầu các chủ nhà trọ rà soát lại điều kiện nhà ở cho phù hợp với chuẩn nhất định, cho các chủ nhà trọ vay tiền để đảm bảo yêu cầu tối thiểu về sinh hoạt, phòng cháy chữa cháy. Đồng thời có những chính sách hỗ trợ như tiền điện, tiền nước… Thời gian qua cũng có làm nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Sắp tới, TP.HCM sẽ triển khai thực hiện các cụm nhà cho thuê ở các khu vực đông công nhân sinh sống. Không phải tất cả công nhân đều có nhu cầu mua nhà, nhưng họ có thể thuê nhà với giá hợp lý, vài ba triệu đồng/tháng. Thành phố sẽ khẩn trương giao Sở Xây dựng phối hợp Liên đoàn lao động TP.HCM phát triển dự án nhà cho thuê để có thể thực hiện từ đầu năm 2025.
Về vấn đề nhà ở xã hội, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 xây dựng được 35.000 căn, nhưng hiện tại số lượng rất ít. Thủ tướng giao TP.HCM xây 26.200 căn, thành phố sẽ phấn đấu đến năm sau đạt được chỉ tiêu này.
“Còn việc vay vốn để mua nhà ở xã hội cũng chỉ phục vụ được số ít người cần. Người mua nhà có thể ra ngân hàng vay, còn TP.HCM sẽ hỗ trợ lãi suất. Ví dụ, cùng 1.000 tỷ đồng nếu thành phố cho người lao động vay thì cũng chỉ có 1.000 người tiếp cận, khi có sự tham gia hỗ trợ của ngân hàng thì hiệu quả sẽ cao hơn, có thể vài chục ngàn người vay được”, ông Mãi nói.
Về vấn đề chỗ học của con em người lao động, hiện nay, thành phố không chỉ thiếu trường, thiếu phòng học mà còn lệch pha về tuổi, tháng tuổi, thời gian học và làm của người lao động. Thành phố sẽ có ý kiến với ngành giáo dục quận, huyện, TP. Thủ Đức để giải quyết tình trạng này.