Nhu cầu nhà ở giá bình dân luôn luôn lớn, khi đa số người dân có mức thu nhập trung bình thấp, đặc biệt tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, tùy thuộc vào cơ sở hạ tầng, hoạt động kinh tế và phân bố dân cư từng địa phương... nhu cầu về nhà ở sẽ có sự khác nhau.
MỤC TIÊU CẦN DỰA TRÊN THỰC TẾ
Năm 2024, nhà ở xã hội được xác định là phân khúc được khuyến khích cần phát triển. Cụ thể, ở khu vực phía Bắc, số lượng dự án nhà ở xã hội đăng ký hoàn thành của Bắc Ninh là 05 dự án, quy mô 6.000 căn; Hải Phòng 08 dự án với 3.925 căn; Quảng Ninh có 03 dự án, tương ứng 1.600 căn; Hà Nội 03 dự án, quy mô 1.181 căn; Bắc Giang 02 dự án với 2.428 căn và Hà Nam 04 dự án, khoảng 1.666 căn…
Tại khu vực miền Trung và phía Nam, Đà Nẵng 03 dự án với 1.880 căn; Bình Dương 20 dự án, tương ứng 4.500 căn; Cần Thơ có 02 dự án, khoảng 1.535 căn; An Giang 04 dự án, quy mô 1.907 căn.
Trong năm 2024, Bình Phước triển khai khu chung cư nhà ở xã hội thiết chế công đoàn với quy mô khoảng 1.250 căn hộ, hiện đang thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và sẽ khởi công trong cuối quý 2/2024.
Bình Phước đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành đầu tư xây dựng khoảng 10.996 căn nhà ở xã hội, trong đó, có 998 căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp và 9.998 căn hộ cho đối tượng công nhân khu công nghiệp. Giai đoạn 2026-2030, sẽ tiếp tục xây dựng khoảng 33.248 căn. Trong đó, 2.498 căn hộ cho đối tượng thu nhập thấp, 30.750 căn hộ cho đối tượng công nhân khu công nghiệp.
Theo kế hoạch, trong năm 2024, Đồng Nai có 05 dự án đã có chủ trương đầu tư được khởi công với 715 căn nhà ở xã hội được hoàn thành. Còn năm 2025 sẽ khởi công 07 dự án và hoàn thành 979 căn nhà ở xã hội.
Theo ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành khoảng 10.000 căn nhà ở xã hội, đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã trình hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư 12 dự án, quy mô khoảng 20.700 căn hộ. Trong đó, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 05 dự án, quy mô khoảng 9.000 căn hộ.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong năm 2024, đang có 06 dự án triển khai xây dựng với tổng cộng hơn 4.700 căn nhà ở xã hội, dự kiến được đưa ra thị trường trong năm nay.
Từ nay đến cuối năm 2025, TP.HCM phải phát triển thêm 29.381 căn nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân (khoảng 2 triệu m2 sàn).
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng tham gia vào việc phát triển các dự án nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cao về phân khúc này trên thị trường. Điển hình như Công ty cổ phần Vinhomes liên tiếp khởi công 02 dự án nhà ở xã hội mang thương hiệu Happy Home với quy mô hơn 100 ha tại TP. Hải Phòng; dự án tại tỉnh Khánh Hòa có quy mô 87,64 ha, cung cấp khoảng 3.600 căn nhà ở xã hội; dự án nhà ở xã hội tại Thanh Hóa với quy mô 3.100 căn trong năm 2024.
Hay như Công ty BIC Việt Nam có kế hoạch xây dựng hai dự án Rice City Tố Hữu (711 căn) và Rice City Long Biên (600 căn) tại Hà Nội; Công ty Newland dự kiến khởi công dự án Tân Phú Hưng với quy mô 1.260 căn tại thành phố Hải Dương...
CẦN NHIỀU “TRỢ LỰC” TỪ LUẬT
Việc sửa đổi các bộ luật sửa đổi quan trọng liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản gồm: Kinh doanh Bất động sản, Nhà ở, Đất đai đã được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết các tồn đọng, giúp khai thác tối đa nguồn lực và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ thị trường bất động sản
Cụ thể, trong Luật Nhà ở mới, đối với những doanh nghiệp định hướng phát triển nhà ở xã hội sẽ nhận được nhiều ưu đãi với các cơ chế thông thoáng hơn. 20% quỹ đất nhà sẽ thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương, căn cứ vào đó, các địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp.
Đồng thời, chủ đầu tư sẽ được miễn trừ thuế toàn bộ phần diện tích xây nhà ở xã hội mà không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất và thủ tục xin miễn trừ. Đặc biệt, Nhà nước cũng chỉ sẽ áp dụng biên độ lợi nhuận ở phần diện tích xây nhà ở xã hội cũng được xem là “điểm cộng” để tăng sức hút đầu tư.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, mục tiêu phát triển hàng chục nghìn căn nhà ở xã hội không hề dễ dàng, nếu thành phố không quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện có. Vì ngoài thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500, chấp thuận đầu tư, giao đất, tính tiền sử dụng đất, ký quỹ như nhà ở thương mại, các dự án nhà ở xã hội phải thực hiện thêm nhiều thủ tục khác như thẩm định giá bán, xác nhận đối tượng mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội, kiểm toán chi phí để xác định lợi nhuận định mức... Từ đó dẫn đến việc chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
Về quy trình thủ tục, Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, Trung ương sớm ban hành văn bản hướng dẫn, thống nhất quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng. Từ cơ sở đó, các địa phương triển khai thực hiện theo hướng cắt giảm hoặc liên thông các thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, chi phí thực hiện trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Còn ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết tỉnh đã có hơn 1.000 ha đất làm nhà ở xã hội, có 12 dự án đề xuất chủ trương với số lượng căn hộ gấp đôi mục tiêu 10.000 căn. Tuy nhiên, thủ tục pháp lý về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư chậm đã ảnh hưởng tiến độ triển khai.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng để tạo lập nhà ở cho người có thu nhập trung bình thấp thì cần một chính sách riêng trên cơ sở chính sách nhà ở xã hội của Nhà nước nhưng với nhiều đổi mới để thu hút doanh nghiệp tham gia loại hình này.