Niềm tin của nhà đầu tư, nền kinh tế khỏe mạnh và mức tăng trưởng tốt của thị trường chứng khoán trong vài thập kỷ qua đang thúc đẩy người dân Mỹ đổ tiền vào cổ phiếu. Năm 2024, trong số các tài sản tài chính, tỷ lệ phân bổ vào cổ phiếu và tài sản liên quan tới thị trường cổ phiếu của nhà đầu tư cá nhân Mỹ là 41,6%.
Đồ thị thông tin dưới đây thể hiện tỷ lệ phân bổ tài chính của các hộ gia đình và tổ chức phi lợi nhuận ở Mỹ vào cổ phiếu từ năm 1952 đến nay, dựa trên dữ liệu từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Từ đồ thị có thể thấy, người dân Mỹ có xu hướng đầu tư một tỷ lệ tài sản lớn hơn vào cổ phiếu ở các giai đoạn lạm phát cao và chi tiêu tiêu dùng mạnh.
Hiện tại, 62% người dân Mỹ sở hữu cổ phiếu - mức cao nhất trong 20 năm. Trong đó, tỷ lệ người thu nhập cao sở hữu cổ phiếu là 87%, theo sau là người thu nhập trung bình với 65% và người thu nhập thấp với 25%. Chỉ riêng trong quý 1/2024, giá trị tài sản của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường cổ phiếu tăng thêm 3,8 nghìn tỷ USD so với quý trước.
Tương tự, người Mỹ cũng đầu tư mạnh hơn vào cổ phiếu trong giai đoạn bong bóng internet. Tỷ lệ đầu tư giảm đáng kể sau khi bong bóng vỡ, khi nhà đầu tư bị thiệt hại bởi các khoản đầu tư mạo hiểm vào những công ty công nghệ tăng trưởng. Thông thường, đây là những công ty tăng trưởng nhanh nhưng chưa có lợi nhuận.
Ngược lại, tỷ lệ phân bổ tiền vào cổ phiếu của nhà đầu tư cá nhân Mỹ giảm xuống 9,4% vào năm 1982, năm mà lợi nhuận đầu tư trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm ghi nhận mức kỷ lục 32,8%. Khi đó, lợi nhuận từ trái phiếu kho bạc cao hơn so với cổ phiếu trong bối cảnh lãi suất cao. Nền kinh tế Mỹ lúc đó cũng rơi vào suy thoái và lạm phát cao, khiến các nhà đầu tư chuyển hướng sang các loại tài sản ít rủi ro hơn.
Một lý do khiến các nhà đầu tư đổ xô vào cổ phiếu lịch sử tăng trưởng tốt của thị trường cổ phiếu Mỹ. Khi so sánh với các loại tài sản khác, cổ phiếu Mỹ có mức tăng trưởng tốt hơn trong vài thập kỷ qua. Trong 10 năm qua, cổ phiếu Mỹ tăng trưởng bình quân 12,3%, so với mức tăng chỉ 4% của các quỹ Đầu tư Bất động sản (REIT) và 1,4% của trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao.
Không chỉ cổ phiếu Mỹ, từ năm 2014 đến nay, thị trường cổ phiếu châu Âu cũng ghi nhận mức tăng trưởng năm khoảng 4,6%, trong khi mức tăng trưởng bình quân của các thị trường cổ phiếu mới nổi là 3,3%.