Khi Miguel Lujan cần đổ xăng cho chiếc xe tải của mình, ông lái xe tới tận Carson City, Nevada, cách nhà 80 dặm (128 km).
Nghe qua thì tưởng điên rồ, nhưng việc lái xe một quãng đường dài đến như vậy để mua xăng là hoàn toàn xứng đáng, bởi giá xăng ở Carson rẻ khoảng 1/3 so với mức giá gần 6 USD/gallon (xấp xỉ 36.000 đồng/lít) ở nơi Lujan sinh sống.
Theo số liệu từ AAA, California hiện là bang có giá xăng cao nhất ở Mỹ, bình quân 4,7 USD/gallon (khoảng 28.200 USD/lít) xăng không chì. Trong tháng 10 vừa qua, giá bán lẻ xăng bình quân toàn quốc ở Mỹ đã tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh lạm phát ở nước này cao nhất hơn 3 thập kỷ.
Tại California, nơi có giá xăng “chát” nhất là hạt Mono, một vùng du lịch với 13.000 cư dân gần biên giới Nevada. Giá xăng bình quân ở Mono là 5,66 USD/gallon. Ở Bridgeport, thị trấn với 550 dân thuộc hạt Mono, giá bán lẻ xăng tại hai trạm xăng trong thị trấn là 5,95 USD/gallon và 5,99 USD/gallon. Ở thị trấn Lee Vining kế bên, nơi giữ vai trò cửa ngõ đi tới công viên quốc gia Yosemite, giá xăng là 6,09 USD/gallon.
Ông Lujan cho biết mỗi tuần ông đi Carson khoảng 3 lần để mua xăng, có khi ông đi xe bus để tiết kiệm xăng. Mỗi lần như vậy, ông mang về nhà những can xăng đầy ắp. Trong nhà ông thường xuyên tích trữ khoảng 100 gallon xăng (mỗi gallon tương đương khoảng 3,8 lít).
Hôm thứ Tư tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu Uỷ ban Thương mại Liên bang (FTC) điều tra xem liệu có phải các công ty dầu khí ở nước này đang cố tình đẩy giá xăng dầu lên cao một cách bất họp pháp. Tuy nhiên, giới phân tích nghi ngờ về việc liệu FTC có thể tìm đủ bằng chứng cho những cáo buộc như vậy.
Không chỉ người dân ở hạt Mono, người dân Mỹ nói chung đang lao đao vì giá xăng leo thang, giữa lúc giá các mặt hàng thiết yếu khác cũng không ngừng tăng. Giá xăng trung bình toàn quốc ở nước này hiện đang ở mức khoảng 3,41 USD/gallon (hơn 20.400 đồng/lít), cao nhất 7 năm. Hồi tháng 4/2020, khi Covid mới trở thành đại dịch, giá xăng ở Mỹ là 2 USD/gallon.
Nguyên nhân khiến giá xăng ở Mỹ tăng cao là do giá dầu thế giới tăng mạnh trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu phục hồi mạnh từ mức đáy do đại dịch Covid-19 gây ra trong khi nguồn cung dầu tăng chậm hơn. Trong tháng 11 này, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York có lúc vượt 84 USD/thùng, cao nhất 7 năm.
Do đồng USD tăng giá và mối lo về làn sóng Covid mới nổi lên ở châu Âu, giá dầu đã giảm mạnh trong tuần trước, còn khoảng 76 USD/thùng đối với dầu WTI. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá dầu WTI đã tăng khoảng 79%.
Một nguyên nhân nữa khiến giá xăng ở Mỹ lên cao là các nhà máy lọc dầu ở Mỹ đã cắt giảm mạnh sản lượng trong thời gian đại dịch, nhưng công suất lọc dầu phục hồi chậm chạp so với tốc độ tăng của nhu cầu khi nền kinh tế mở cửa trở lại.
Vào tháng 5/2020, sản lượng xăng của các nhà máy lọc dầu ở Mỹ giảm còn 1,1 triệu thùng/ngày, thấp hơn gần 40% so với mức đỉnh khoảng 1,8 triệu thùng/ngày trước đại dịch. Lo ngại rằng nhu cầu tiêu thụ xăng sẽ không bao giờ quay trở lại mức trước đại dịch, một số công ty hoá dầu còn vĩnh viễn đóng cửa một số nhà máy, khiến tổng công suất lọc dầu của Mỹ giảm 4,5%.
Năm nay, nhu cầu tiêu thụ xăng ở Mỹ đã phục hồi về ngưỡng trước đại dịch. Với khoảng 60% dân số Mỹ đã tiêm đủ vaccine và các bang của nước này dỡ hầu hết các hạn chế chống Covid, hoạt động lái xe ở nước này lại trở nên sôi động. Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu ở Mỹ vẫn chưa trở lại với hoạt động bình thường.
Chính quyền ông Biden đã và đang cân nhắc nhiều biện pháp để hạ nhiệt giá xăng dầu. Sau khi kêu gọi OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số đồng minh ngoài khối, tăng sản lượng mạnh hơn nữa nhưng không được đáp ứng, ông Biden đang xem xét việc xả dự trữ dầu lửa chiến lược (SPR).
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc xả SPR sẽ không có tác dụng lâu dài trong việc hạ nhiệt giá xăng dầu ở Mỹ. Đó là bởi việc xả dự trữ một lần sẽ không thực sự làm thay đổi cán cân cung-cầu dầu. Ngoài ra, mức độ ảnh hưởng còn tuỳ thuộc vào việc lượng dầu được xả ra thị trường là bao nhiêu.
Một số chuyên gia khuyên Chính phủ Mỹ nên kiên nhẫn, vì giá dầu có thể tự giảm xuống mà không cần một biện pháp can thiệp nào. Các dự báo gần đây của Bộ Năng lượng Mỹ, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và OPEC đều cho rằng nguồn cung dầu toàn cầu sẽ tăng lên vào đầu năm tới và thế giới sẽ chuyển sang tình trạng dư thừa dầu. Khi đó, giá dầu sẽ tự khắc tụt khỏi đỉnh.
Cơ quan Thông tin năng lượng (IEA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ nhận định giá xăng ở Mỹ sẽ đạt đỉnh trong tháng 11 này và sẽ giảm dần đều trong năm 2022.