Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, năm 2024, toàn ngành đã thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm bằng phương thức không dùng tiền mặt đã có hiệu quả trong các năm trước.
Đơn cử: Giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khu vực đô thị năm 2024 cho Bảo hiểm xã hội các cấp.
Đồng thời, tập trung khai thác tối đa các nhóm người hưởng tiềm năng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng…
Đặc biệt, giải pháp phối hợp với Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên nền cơ sở dữ liệu dân cư, là giải pháp mang tính đột phá trong việc tăng tỷ lệ người hưởng nhận chế độ qua tài khoản cá nhân, kết hợp xác minh, làm sạch dữ liệu người hưởng, tăng cường hiệu quả trong quản lý người hưởng.
Kết quả chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị năm 2024 đạt hơn 80%, vượt 20% chỉ tiêu Chính phủ giao tại Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, nhóm người hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội một lần và trợ cấp thất nghiệp (chủ yếu những người thuộc độ tuổi lao động) nhận qua tài khoản cá nhân đã đạt gần mức tối đa. Nhóm người hưởng các chế độ hàng tháng tăng mạnh so với năm 2023.
Việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong công tác chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cũng có sự phát triển vượt bậc, từ 40% người hưởng nhận chế độ lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân (tháng 3/2024), lên 74% (tính đến tháng 11/2024).
Nhiều địa phương đã đạt tỷ người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân cao như: Hà Nam (99,8%), Hà Tĩnh (99,5%), Hà Nội (99%), Hải Phòng (97,5%), Hưng Yên (97%), Bắc Ninh (93,7%), Vĩnh Long (92,7%), Bình Dương (91,9%), Điện Biên (91,6%)...
Bên cạnh đó, vẫn còn một số địa phương chưa có nhiều chuyển biến trong việc tăng tỷ lệ người hưởng nhận chế độ qua tài khoản cá nhân như: Cao Bằng (39,1%), Thái Bình (38,6%), Thanh Hóa (35,3%), Ninh Bình (28,8%).
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo đối với Bảo hiểm xã hội các tỉnh có tỷ lệ người nhận các chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt còn thấp, nghiêm túc đánh giá nguyên nhân và khắc phục; nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp để thu hẹp khoảng cách đối với tỷ lệ trung bình cả nước.
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc giảm bớt khâu trung gian, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính tại Nghị quyết số 131/NQ-CP về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp; đáp ứng việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý người hưởng theo xu hướng chuyển đổi số tại Đề án 06.
Toàn ngành cũng tập trung tất cả các nguồn lực, không ngừng cải cách thủ tục hành chính và giảm khâu trung gian, xây dựng lộ trình mở rộng triển khai việc cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển tiền chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua tài khoản cá nhân cho người hưởng, phù hợp với hạ tầng công nghệ thông tin và khả năng phối hợp, đáp ứng của các ngân hàng, nhằm mục tiêu chi trả sớm nhất, kịp thời nhất cho người hưởng.
Theo đó, lộ trình được thực hiện từ tháng 6/2024, và từ tháng 11/2024 đã triển khai mở rộng 63/63 Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện việc cơ quan Bảo hiểm xã hội trực tiếp thực hiện chuyển tiền chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua tài khoản cá nhân cho 2,5 triệu/gần 3,4 triệu người hưởng trên toàn quốc.
Tối ưu hóa quy trình chi trả chế độ bảo hiểm xã hội để đảm bảo chính xác và nhanh chóng, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người hưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt trong các trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh…
Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn gửi các đơn vị trực thuộc; Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố về việc thực hiện các nhiệm vụ trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các đơn vị giải quyết, kịp thời chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.
Cùng với đó, cần đôn đốc các đơn vị sử dụng lao động đóng đầy đủ số phải thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế phát sinh trong tháng 1, tháng 2/2025.
Đồng thời, thực hiện chi trả gộp hai tháng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (tháng 1 và tháng 2 năm 2025) vào kỳ chi trả tháng 1 năm 2025; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo cho người dân, đặc biệt quan tâm tới những người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn.