Tháng 4/2007, ĐBSCL đã bước vào giai đoạn cuối niên vụ sản xuất mía đường 2006-2007. Các vùng nguyên liệu mía thu hoạch đã gần xong. Hiện chỉ còn khoảng 7-8.000 ha vùng mía muộn ở huyện Trà Cú (Trà Vinh), Cù Lao Dung, Mỹ Tú (Sóc Trăng).
Diện tích không nhiều, sản lượng không lớn (trên dưới 300.000 tấn) nhưng thu hoạch rất chậm. Vì sao vậy?
Thông thường, sau Tết Nguyên đán vùng mía nguyên liệu Cù Lao Dung, Mỹ Tú đã thu hoạch được 50% diện tích. Năm ngoái cùng vào dịp này, các nhà máy đường ở ĐBSCL đổ xô về đây giành giật nhau từng ghe mía. Giá mía đẩy lên mức kỷ lục 580-600 đồng/kg. Năm nay thì ngược lại, vùng mía muộn Sóc Trăng dài cổ chờ khách, chờ đến mía trổ cờ ngoài đồng mà không thấy thương lái đến mua.
"Năm nay người trồng mía lỗ nặng!"
Đó là lời than của ông Văn, Trưởng phòng kinh tế huyện Cù Lao Dung, khi mở đầu câu chuyện mía đường. Ông cho biết, đến đầu tháng 4/2007 cả huyện mới thu hoạch được 3.400/8.000 ha mía, số còn lại đang đứng phơi ngoài đồng, chờ thương lái, một số giống chín sớm đã xuất hiện tình trạng mía chết. Ông Văn buồn rầu dự báo: với tiến độ thu hoạch chậm chạp như hiện nay, phải đến cuối tháng 5 tới Cù Lao Dung mới thu hoạch xong mía.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng, có 3 lý do làm cho tiến độ thu hoạch mía ở Cù Lao Dung, Mỹ Tú chậm. Đó là giá mía quá thấp, thiếu nhân công thu hoạch, thiếu phương tiện vận chuyển. Và, cái thiếu lớn nhất là thiếu người mua. Nguyên nhân sâu xa là cung vượt quá cầu. Giá mía đầu vụ 4-5 triệu đồng/công (1.000 m2). Hiện nay rớt xuống chỉ còn 2,5-2,6 triệu đồng/công, nhưng không mấy ai mua.
Tháng 4, dọc theo con đường chính của huyện mía đầy đồng, mía tràn ra lộ. Bà con nông dân ở các xã An Thạnh I, An Thạnh III họ cho biết, năm nay giá vật tư như phân bón, thuốc trừ sâu, giống mía, giá nhân công thu hoạch mọi thứ đều... tăng, chỉ có giá mía... giảm thê thảm. Tính ra chi phí 1 công mía mất khoảng 3 triệu đồng, đến khi thu hoạch bán chưa được 3 triệu đồng. Lỗ trắng tay. Trong khi giá mía bèo bọt thì giá thuê nhân công chặt mía lại tăng vọt.
Trước đây, giá thuê nhân công chặt mía chỉ ở mức 400-500.000 đồng/công. Năm nay tăng lên 2 lần 700 - 800.000 đồng/công, đường xa trên 1 triệu đồng/công, nhưng tìm người đốn mía cũng không dễ.
Ngoài chuyện mía rớt giá chưa từng có, nỗi lo bất lực của nhà nông lúc này là nhìn thấy mía chết trên đồng mà không ai mua. Ông Ba Thẹo, một thương lái mía sở ấp An Bình, xã An Thạnh III lý giải vì nhà máy "ăn hàng" quá chậm. Chưa có vụ ép nào như năm nay, chở 1 ghe mía phải ăn chực, nằm chờ từ 7-10 ngày mới đến lượt bán cho nhà máy. Mía dầm mưa, giải nắng, giảm 2-3 chữ đường (CCS). Nhà máy theo đó mà hạ giá, thương lái cũng lỗ nặng.
Vì vậy, ông Ba Thẹo thừa nhận, bà con nông dân gọi bán mía rất nhiều, bán giá thấp, nhưng không ai dám mua, vì sợ lỗ. Được dịp, thương lái hè nhau giảm giá mía xuống còn 190-200 đồng/kg. Nhà nông gặp khó tứ bề! Thêm một mùa mía đắng.
Nguyên nhân của tình trạng mía nguyên liệu cung vượt cầu trước hết là do vùng nguyên liệu của các nhà máy đều trồng vượt diện tích. Riêng Cù Lao Dung năm ngoái trồng 6.500 ha, năm nay tăng lên 8.000 ha. Đây là kết quả của phong trào tự phát đốn nhãn, lấp ao tôm trồng mía.
Theo ông Hồ Thanh Kiệt. Phó phòng kinh tế huyện Cù Lao Dung, năm ngoái cảnh báo nhưng không xong. Gần một năm qua, đối phó với tình hình bùng nổ diện tích mía, phòng đã phải tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường sự liên kết với các nhà máy đường trong vùng, xúc tiến việc ký hợp đồng tiêu thụ mía cho nông dân.
Tuy vậy, công suất có hạn, các nhà máy cũng chỉ tiêu thụ được 4.500 ha (chiếm 60% diện tích mía toàn huyện), bằng nhiều hình thức như: đầu tư bao tiêu sản phẩm, mua theo giá sàn. Chủ tịch UBND xã Đại An I, ông Nguyễn Hồng Phúc xác nhận, vào vụ thu hoạch hộ nào có hợp đồng với Công ty, nhà máy đường thì bán được mía, còn hộ không ký được hợp đồng thì khó kêu được thương lái.
Về phía các nhà máy, ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng cho biết, dù đã tăng công suất, nhưng lượng mía vẫn còn khoảng 40% diện tích, nên phải chạy đến cuối tháng 5 mới mong hết mía.
Cùng một hoàn cảnh, Phó giám đốc Nhà máy đường Trà Vinh bộc bạch: "Đến nay nhà máy đã chạy trên 270.000 tấn mía, vượt kế hoạch 40.000 tấn. Dù quá tải, nhà máy vẫn cố gắng chạy thêm đến tháng 6/2007 mới nghỉ để giải quyết lượng mía tồn đọng của nông dân. Trong khi, giá đường bán ra thị trường lúc này ở mức khoảng 6.400 đồng/kg, chỉ hoà vốn, hoặc lời rất ít". Các nhà máy đường Phụng Hiệp, Vị Thanh (Hậu Giang) hiếm có những năm như năm nay mỗi nhà máy sản xuất được 35.000-38.000 tấn đường.
Theo Hiệp hội mía đường, cùng thời điểm này năm ngoái, giá đường ở mức 9.000 - 10.000 đồng/kg, trong khi hiện nay chỉ 6.400 - 6.800 đồng/kg, bình quân thấp hơn khoảng 3.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty mía đường Cân Thơ khẳng định: "Với giá này hầu như các nhà máy lời rất ít".
Nếu như năm ngoái Cù Lao Dung cũng như nhiều nơi khác thu hoạch một mùa mía ngọt ngào, thì năm nay ngược lại hưởng trọn một mùa mía đắng. Hiện tại, nhiều hộ đã bắt đầu quay lại phá mía đào ao, nuôi tôm, nuôi cá. Vòng luẩn quẩn này bao giờ được chấm dứt? Chuyện nông dân làm kinh tế chạy theo phong trào phải trả giá đắt, nhưng năm nào cũng xẩy ra.
Cho đến nay, không riêng gì cây mía, mà nhìn chung các nhà máy chế biến nông sản chưa có sự gắn kết với người sản xuất nguyên liệu, cụ thể là nông dân. Sự gắn kết này theo các chuyên gia kinh tế, chỉ có được khi miếng bánh lợi nhuận được phân chia một cách hài hoà và công khai trên cơ sở cả hai cùng có lợi, hướng tới một mục tiêu chung.
Có vậy, vùng mía mới xây dựng được qui hoạch, kế hoạch rải vụ, phân vùng trồng mía trước - sau, các nhà máy lấy đó làm cơ sở ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân. Vậy dù sớm hay muộn, nông dân và nhà máy phải bắt tay hợp tác với nhau để làm ăn.