September 06, 2023 | 12:09 GMT+7

Người Việt quan tâm rất cao tới ngân hàng ảo, tiền điện tử, NFTs và Metaverse

Đỗ Phong -

Người tiêu dùng Việt Nam có mức độ quan tâm rất cao đối với các xu hướng kỹ thuật số như ngân hàng ảo, ngân hàng mở, thực tế ảo tăng cường (AR), thanh toán thông minh, tiền điện tử, NFTs… 90% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến dịch vụ ngân hàng ảo...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo báo cáo nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng vừa được Visa công bố, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng có nhận thức cao và đang tích cực đón nhận các hình thức ngân hàng số và bán lẻ kỹ thuật số hậu đại dịch.

Ngân hàng kỹ thuật số là một trong những xu hướng đang được quan tâm. Cụ thể có tới 90% người tiêu dùng Việt Nam quan tâm đến dịch vụ ngân hàng ảo. Ngoài ra, cứ 10 người tiêu dùng ở Việt Nam thì có ít nhất 7 người biết đến khái niệm ngân hàng mở.

Ngân hàng mở được thiết kế để mang lại cho khách hàng những trải nghiệm thuận tiện hơn, bằng cách cho phép người tiêu dùng và doanh nghiệp kích hoạt các ứng dụng của bên thứ ba truy cập dữ liệu tài chính ngay lập tức và an toàn.

Ngoài ra, phân khúc thế hệ "Gen X" và "Gen Z" là những đối tượng có nhận thức cao nhất về ngân hàng mở và sẵn sàng chia sẻ thông tin liên hệ và thông tin cá nhân của họ.

Người tiêu dùng Việt Nam cũng rất quan tâm đến một số xu hướng kỹ thuật số được dự đoán sẽ phổ biến trong tương lai. Minh chứng có khoảng 70% người tiêu dùng Việt Nam tham gia nghiên cứu quan tâm đến các xu hướng kỹ thuật số mới nổi như tiền điện tử, NFTs (loại token mã hóa trên blockchain, đại diện cho một tài sản duy nhất) và vũ trụ ảo (Metaverse). Âm nhạc, video và tranh vẽ là các hình thức NFTs được giao dịch phổ biến nhất. Khoảng 7 trên 10 người tiêu dùng Việt Nam muốn biết thêm về Metaverse hoặc cách trải nghiệm hình thức mới này.

Bên cạnh ngân hàng kỹ thuật số, bán lẻ kỹ thuật số cũng đánh dấu sự tăng trưởng đặc biệt mạnh mẽ. Các xu hướng trong lĩnh vực này được dự đoán vẫn sẽ phổ biến với người tiêu dùng Việt Nam trong tương lai.

Điển hình như thực tế ảo tăng cường (AR), cho phép người tiêu dùng thử, cá nhân hóa hoặc hình dung sản phẩm thông qua camera trên điện thoại cá nhân khi trải nghiệm mua sắm trực tuyến. Theo đó, cứ 5 dùng người Việt thì có 4 người biết về khái niệm sử dụng AR để mua sắm bán lẻ và 3 trên 10 người đã sử dụng phương thức này.

Phân khúc Gen Z và Gen X có tỷ lệ sử dụng AR cao nhất. Mặc dù việc sử dụng AR chưa phổ biến, nhưng người tiêu dùng coi đây là một tính năng quan trọng, đặc biệt là khi quyết định có nên mua một sản phẩm đắt tiền hay không.

Một xu hướng bán lẻ kỹ thuật số khác được quan tâm là thanh toán thông minh, cho phép người tiêu dùng quét các mặt hàng khi chọn chúng và tạo một giỏ hàng kỹ thuật số để thanh toán mà không cần quét hàng hóa khi kết thúc mua sắm.

Gần một nửa người tiêu dùng Việt Nam, chủ yếu là Gen Z đã thử thanh toán thông minh. Các yếu tố thu hút sự quan tâm của đa số người tiêu dùng đối với thanh toán này gồm tốc độ nhanh chóng và tiện lợi, tính mới mẻ, khả năng cân đối ngân sách khi có thể xem tổng hóa đơn trước khi thanh toán.

Nghiên cứu cũng chỉ ra trong tương lai người tiêu dùng Việt Nam kỳ vọng rằng gần 8 trên 10 đơn đặt hàng sẽ được giao tận nhà. Tại Đông Nam Á, trung bình 4 trên 5 người tiêu dùng trong khu vực (82%) cho biết sẽ tiếp tục mua sắm trực tuyến, tỷ lệ này cao nhất tại Indonesia (92%) và Việt Nam (89%) .

 
Theo một nghiên cứu mới đây ước tính, doanh thu trên thị trường tài sản kỹ thuật số được dự đoán sẽ đạt 56.420 triệu USD vào năm 2023. Doanh thu dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2023-2027) là 16,15%, dẫn đến tổng số tiền dự kiến vào năm 2027 sẽ đạt 102.700 triệu USD. Doanh thu trung bình trên mỗi người dùng trong thị trường tài sản kỹ thuật số lên tới 83,73 USD vào năm 2023.
Trong thị trường tài sản kỹ thuật số, số lượng người dùng dự kiến sẽ lên tới 994,30 triệu người dùng vào năm 2027. Tỷ lệ thâm nhập của người dùng sẽ là 8,8% vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 12,5% vào năm 2027. Việt Nam hiện đang đứng trong top 10 thế giới về tỷ lệ người sở hữu tiền mã hóa.
Còn theo Boston Consulting Group, năm 2030 tài sản nằm ở dạng token chiếm 10% GDP toàn cầu, tương đương 16,1 nghìn tỷ USD. Trong năm 2022, con số này đang ở mức 0,31 nghìn tỷ USD và chiếm khoảng 0,4% GDP. Dự kiến trong năm 2023 sẽ đạt mức 0,6 nghìn tỷ USD và chiếm 0,6% GDP toàn cầu.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate