Tại toạ đàm “Nâng cao chất lượng nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ”, do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Cao Văn Bình, Quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), cho biết nhu cầu nhân lực có tay nghề cao trong ngành công nghiệp hỗ trợ đang gia tăng do sự phát triển về khoa học, công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo và tự động hóa. Trong khi đó, số lượng lao động có tay nghề cao trong các ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ hiện nay rất hạn chế so với nhu cầu của ngành.
THIẾU NHÂN LỰC CÓ KỸ NĂNG
Do đó, những doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động gặp khá nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn chính là sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng và kiến thức phù hợp cho các vị trí công việc cụ thể trong ngành. Các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và thuê được những lao động có tay nghề cao và hiểu biết về công nghệ mới.
Mặt khác, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ thường phải cạnh tranh với các ngành khác, chẳng hạn như công nghiệp công nghệ cao hoặc công nghiệp sản xuất. Điều này có thể làm cho việc thu hút và giữ chân những tài năng có kỹ năng cao trở nên khó khăn hơn.
Đặc biệt, chênh lệch về mức lương cũng tạo ra khó khăn trong tuyển dụng và duy trì nguồn nhân lực có chất lượng. Các công việc trong ngành công nghiệp hỗ trợ có thể yêu cầu kỹ năng cao, nhưng mức lương không luôn đủ hấp dẫn so với các ngành khác yêu cầu tương tự.
Các vị trí quản lý và chuyên gia có trình độ cao thường khó khăn hơn để tuyển dụng. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển và quản lý dự án, cũng như tạo ra các sản phẩm và dịch vụ chất lượng.
Cùng với đó, ông Bình cho rằng do công nghiệp hỗ trợ thường tham gia vào việc thay đổi và cải tiến quy trình sản xuất và công nghệ, đòi hỏi doanh nghiệp cần có những nguồn nhân lực có khả năng học hỏi và thích nghi với những thay đổi nhanh chóng. Việc tìm kiếm và duy trì những nguồn nhân lực như vậy có thể là một thách thức.
Bên cạnh đó, tại một số khu vực có thể gặp khó khăn trong việc cung cấp đủ cơ sở đào tạo và giáo dục để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Sự kết nối giữa các doanh nghiệp đối với các cơ sở đào tạo, đặc biệt là các trường đại học và cao đẳng còn chưa khăng khít.
Đồng tình ông Lê Quý Thành, Giám đốc Nhà máy TOMECO An Khang cho hay, hiện vẫn còn tình trạng chênh lệch giữa khoa học công nghệ thực tế doanh nghiệp đang sử dụng với cập nhật chương trình đào tạo tại các nhà trường ngành công nghiệp hỗ trợ. Các nhân sự làm việc trong ngành này ngoài kiến thức chuyên môn thì cũng rất cần những am hiểu về hệ thống, về quy trình, tiêu chuẩn cao như ISO 9001, ISO 14001, ISO 45001… hay cách thức vận hành máy móc, thiết bị hiện đại. Những nguồn nhân sự này hiện nay rất khó tìm được trong các trường đại học hiện nay.
GIẢI BÀI TOÁN “VÊNH” GIỮA CUNG VÀ CẦU
Nhiều ý kiến cho rằng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay vẫn còn tình trạng “vênh” giữa cung và cầu, tức là từ cơ sở đào tạo đến thực tiễn doanh nghiệp còn khoảng cách. TS. Kiều Xuân Thực, Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội phân tích, có hai loại vênh là vênh về số lượng và vênh về số lượng.
Vênh về số lượng là do sinh viên tốt nghiệp ít nhưng nhu cầu của doanh nghiệp nhiều, dẫn đến doanh nghiệp cũng khó trong việc tuyển dụng lao động. Hoặc là chiều ngược lại, có thể sinh viên tốt nghiệp nhiều nhưng thời điểm đấy nhu cầu của doanh nghiệp ít, dẫn đến là dư thừa.
Còn vênh về chất lượng lại là bài toán khó hơn. Sinh viên tốt nghiệp có thể là chưa có hoặc là chưa đạt một số năng lực, phẩm chất mà doanh nghiệp mong muốn.
“Như vậy, muốn thu hẹp khoảng cách giữa cung với cầu, chắc chắn là phải có sự vào cuộc từ hai phía, kể cả phía các trường và phía các đơn vị sử dụng lao động mà cụ thể ở đây là là doanh nghiệp”, TS Thực nhận định.
Để giải bài toán này, chia sẻ thực tế tại Đại học Công nghiệp Hà Nội, TS Thực cho biết nhà trường luôn luôn phải tích cực và chủ động trong việc liên kết, hợp tác với doanh nghiệp. Ban đầu là thiết kế, xây dựng nội dung chương trình và điều chỉnh chương trình đào tạo, điều chỉnh quy mô.
“Hàng năm chúng tôi phải lấy ý kiến doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu lao động ít đi, tỷ lệ sinh viên có việc làm giảm đi thì nhà trường cũng phải giảm quy mô tuyển sinh. Hay doanh nghiệp cần những năng lực gì ở từng vị trí việc làm thì nhà trường cũng phải lồng ghép các yêu cầu đấy vào chuẩn đầu ra của chương trình. Tức quy mô tuyển sinh hàng năm phải bám theo nhu cầu của doanh nghiệp để giảm độ vênh”, ông Thực chia sẻ.
Bên cạnh đó, quá trình tổ chức đào tạo cũng có sự vào cuộc của doanh nghiệp cùng với nhà trường, chứ không còn đơn thương độc mã mỗi nhà trường như trước đây nữa. Đồng nghĩa với việc, đưa thầy, đưa trò đến doanh nghiệp, rồi đưa doanh nghiệp vào trường, để xóa độ vênh liên quan đến trình độ kỹ thuật, công nghệ,…
Bởi thực tế nhiều doanh nghiệp đang áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật cao hơn so với cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà trường đang có. Nên nếu chúng ta không đưa giảng viên, không đưa sinh viên ra thực hành, thực tập tại doanh nghiệp thì không giải quyết được vấn đề này.
Mặt khác, các kinh nghiệm thực tiễn, các kiến thức, kỹ năng từ các chuyên gia, doanh nghiệp cũng cần được cung cấp ngược lại đối với giảng viên và đối với sinh viên để cập nhật vào chương trình đào tạo. Ông Thực cho biết với hàng loạt hoạt động, mô hình hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp như thế chúng tôi đã từng bước giải quyết được câu chuyện vênh giữa cung và cầu.
Chính vì vậy, kết quả thực tế cho thấy tại Đại học Công nghiệp Hà Nội tỷ lệ việc làm những năm gần đây rất cao. Tại thời điểm sinh viên nhận bằng có việc làm thì trung bình toàn trường tỷ lệ này đạt khoảng 84 - 85%, còn sau 6 tháng đến 1 năm thì trung bình toàn trường có 95% sinh viên có việc làm. Trong đó nhiều ngành nghề đào tạo thuộc lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ thì 100% sinh viên đều có việc làm sau 6 tháng đến 1 năm.