Theo Euronews, đầu tư vào doanh nghiệp startup trí tuệ nhân tạo (AI) tại châu Âu đang gia tăng, đúng thời điểm Ủy ban châu Âu công bố kế hoạch nâng cao năng lực để trở thành “lục địa AI”. Tuy nhiên, tình trạng hỗn loạn trong thương mại toàn cầu hiện nay có thể đe dọa đáng kể những tham vọng đó.
Dữ liệu mới nhất từ Dealroom, được phân tích bởi quỹ Balderton Capital, vốn đầu tư mạo hiểm vào lĩnh vực AI tại châu Âu tăng 55% trong quý đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, các công ty AI đã thành công huy động 3,4 tỷ USD (gần 3 tỷ euro), tăng mạnh so với con số 2,2 tỷ USD (1,9 tỷ euro) của quý I năm 2024. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy cổ phiếu công nghệ châu Âu, không tính AI, giảm 10%.
Tuy nhiên, dữ liệu này chưa bao gồm ảnh hưởng từ mức thuế quan mới do Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump áp đặt, bao gồm mức thuế lên tới 125% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Ông Trump áp mức thuế 20% đối với hàng xuất khẩu từ châu Âu sang Hoa Kỳ, trước khi tạm thời hạ xuống còn 10%. Cuối tuần trước, ông Trump cho biết các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh và máy tính sẽ được miễn trừ thuế.
Thông tin này giúp cổ phiếu công nghệ châu Âu phần nào phục hồi vào ngày 14/4. Tuy nhiên, triển vọng tương lai vẫn chưa rõ ràng, đặc biệt khi ông Trump tuyên bố sẽ có các mức thuế mới đối với chip bán dẫn nhập khẩu – loại linh kiện nền tảng cho công nghệ AI.
KHÔNG THỂ XEM NHẸ TIỀM NĂNG AI CHÂU ÂU
Môi trường thương mại biến động khiến giới đầu tư trở nên thận trọng hơn, bà Daria Gneusheva, nhà đầu tư tại quỹ đầu tư mạo hiểm Project A, Đức, chia sẻ.
“Nhiều công ty châu Âu phụ thuộc vào linh kiện như GPU và chip bán dẫn từ châu Á, và họ sẽ phải đối mặt với việc tăng giá cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng phần cứng”, bà lưu ý việc tiếp cận thị trường Hoa Kỳ cũng sẽ trở nên khó khăn và kém hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, bà Gneusheva nhận định cuộc chiến thương mại hiện nay đang trở thành “cú hích lớn” để các công ty và chính phủ châu Âu tiếp tục đầu tư vào sản xuất và nghiên cứu trong nước.
Việc leo thang thuế quan gần đây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thúc đẩy nhiều công ty tìm kiếm thị trường thay thế, trong đó châu Âu đang nổi lên như một lựa chọn chiến lược, bà Gneusheva nói thêm. “Tôi nghĩ còn quá sớm để kết luận rằng những diễn biến mới về thuế sẽ khiến châu Âu thuận lợi hay bất lợi, điều này có thể diễn biến theo cả hai hướng và phụ thuộc vào việc châu Âu có nắm bắt được cơ hội hay không”.
Việc phát triển mô hình AI nền tảng đang trở thành cuộc đua địa chính trị, khi nhiều quốc gia coi đây là vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Theo báo cáo gần đây của Đại học Stanford, Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện đang vượt xa châu Âu trong việc xây dựng các mô hình nền tảng.
KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CHO AI CỦA EU
Quỹ đầu tư Balderton cho biết phần lớn khoản đầu tư vào doanh nghiệp AI ở châu Âu lại tập trung vào lĩnh vực như y tế, truyền thông AI, an ninh mạng và robot.
Dữ liệu cũng cho thấy sự quan tâm đối với các AI agent (trợ lý AI) ở châu Âu đang gia tăng, với 52 triệu USD (tương đương 45 triệu euro) được rót vào nhóm startup mới hoạt động trong lĩnh vực này, bao gồm Lovable (trụ sở tại Stockholm) và Paid AI (trụ sở tại London).

Tuần trước, Ủy viên Công nghệ EU Henna Virkkunen đã công bố Kế hoạch Hành động "Lục địa AI", bao gồm nội dung liên quan đến hạ tầng, quyền truy cập dữ liệu, điện toán đám mây, kỹ năng và cải cách thủ tục, với mục tiêu chuyển đổi ngành công nghiệp truyền thống của châu Âu.
Bà Henna Virkkunen nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “xây dựng năng lực trong một số lĩnh vực trọng yếu” để đảm bảo khối này không bị phụ thuộc vào khu vực khác.
“Chúng tôi xác định AI là một trong những lĩnh vực mà châu Âu cần phát triển năng lực nội tại, giống như công nghệ lượng tử và chip. Đây đều là các công nghệ then chốt của tương lai”, Ủy viên Công nghệ EU cho biết.
Trong năm nay, châu Âu cũng ghi nhận thêm hai kỳ lân AI mới – các công ty chưa niêm yết nhưng đã đạt mức định giá 1 tỷ USD (1 tỷ euro). Đó là Neko Health của Thụy Điển và Tines của Ireland, nâng tổng số kỳ lân AI tại châu Âu lên con số 76.
CÁC QUỐC GIA CHÂU ÂU Ở ĐÂU TRONG CUỘC ĐUA AI?
Dù không nằm trong kế hoạch phát triển AI chung của Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh lại là quốc gia huy động được nhiều vốn đầu tư nhất vào lĩnh vực AI. Tính từ đầu năm đến nay, startup và doanh nghiệp tăng trưởng nhanh tại Vương quốc Anh đã huy động khoảng 4,2 tỷ USD (3,6 tỷ euro), trong đó 1,6 tỷ USD (1,4 tỷ euro) dành riêng cho AI.
Đức cũng chứng kiến mức tăng trưởng mạnh mẽ với vốn đầu tư vào AI trong quý I năm nay tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 404 triệu USD (355 triệu euro).
Trong khi đó, Pháp – nơi chính phủ đang tích cực thúc đẩy đầu tư vào AI và sở hữu những công ty nổi bật như Mistral AI – lại ghi nhận mức sụt giảm khoảng 18% trong quý I/2025 so với năm ngoái. Theo Balderton, tổng đầu tư vào công nghệ của Pháp trong quý đầu năm giảm tới 26%, cho thấy lĩnh vực AI vẫn “khá hơn” so với phần còn lại trong ngành công nghệ nước này.
Chính phủ Pháp cho thấy quyết tâm lớn với AI khi đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hành động AI tại Paris (Paris AI Action Summit) vào đầu năm nay. Trước thềm hội nghị, Tổng thống Emmanuel Macron công bố kế hoạch đầu tư trị giá 109 tỷ euro cho lĩnh vực AI trong vài năm tới.
“Đây là bước đi tương đương với những gì Hoa Kỳ công bố qua dự án Stargate”, ông Macron phát biểu, ám chỉ kế hoạch đầu tư 500 tỷ USD (438 tỷ euro) của Hoa Kỳ nhằm xây dựng hạ tầng AI trong bốn năm tới.
Ông James Wise, đối tác tại Balderton Capital, nhận định: “Tham vọng AI của châu Âu ngày càng lớn. Hội nghị AI tại Paris đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho những gì cần phải làm, và thật tuyệt khi thấy các startup và doanh nghiệp tăng trưởng tại châu Âu đang đứng lên để đương đầu với thử thách”.
“Từ y tế, an ninh mạng đến tự động hóa, các công ty AI châu Âu đang phát triển giải pháp cực kỳ cấp thiết. Tốc độ rót vốn hiện tại cho thấy nhà đầu tư rất lạc quan về tiềm năng công nghệ của lục địa này”.