Suy tim là giai đoạn cuối của các bệnh lý tim mạch, có tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới, cao hơn cả bệnh lý ung thư và đột quỵ. Khoảng 50% bệnh nhân suy tim không sống quá 5 năm sau khi được bác sĩ chẩn đoán. Với bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, con số này còn cao hơn, với tiên lượng sống trung bình khoảng 6 - 12 tháng, tỷ lệ tử vong hơn 75% sau 1 năm.
Tháng 3/2025, bệnh nhân nữ H.T.X (46 tuổi, ở Thanh Hóa) nhập Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, với chẩn đoán suy tim phân suất tống máu giảm nặng (EF chỉ còn 19%) do bệnh cơ tim giãn, kết hợp với các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu não cũ và tắc động mạch dưới đòn phải.
Theo lời kể của người bệnh, trước đây đã được chẩn đoán suy tim giai đoạn cuối và điều trị bằng các thuốc tốt nhất trong nhiều năm, nhưng tình trạng sức khỏe vẫn không cải thiện. Khi có những cơn khó thở cấp, tràn dịch màng phổi số lượng nhiều phải nhập viện cấp cứu...
Bệnh nhân đã được hội chẩn cả trong nước và quốc tế, chỉ định cấy ghép thiết bị hỗ trợ thất trái (LVAD - Left Ventricular Assist Device) thế hệ thứ 3. Đây là thế hệ mới nhất nhằm thay thế chức năng bên trái của quả tim.
Thiết bị hoạt động như một chiếc bơm cơ học, bơm máu từ tim đến động mạch chủ, với cấu tạo và cơ chế hoạt động đặc biệt đã tối ưu được dòng máu bơm ra, đồng thời giảm thiểu các nguy cơ huyết khối, tan máu. Thiết bị có dây nối với pin bên ngoài cơ thể, đã được chứng minh làm kéo dài thời gian và chất lượng cuộc sống vượt trội cho người bệnh suy tim giai đoạn muộn.

Ca phẫu thuật được tiến hành trong 4 giờ. Sau 2 tuần cấy ghép, bệnh nhân đã đi lại, sinh hoạt cá nhân hoàn toàn ổn định, đang được hướng dẫn theo các quy trình chăm sóc chuyên môn để sẵn sàng xuất viện.
Ca phẫu thuật được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện với sự hướng dẫn của GS. Jan D.Schmitto, Chủ tịch Hội Tuần hoàn cơ học châu Âu, chuyên gia hàng đầu thế giới. GS. Jan D.Schmitto là người đầu tiên trên thế giới cấy thành công LVAD- Heart Mate3 điều trị một bệnh suy tim giai đoạn cuối vào năm 2014. Sau 11 năm, hiện bệnh nhân vẫn sinh hoạt bình thường.
Theo TS. Đặng Việt Đức, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thiết bị hỗ trợ thất trái thế hệ thứ 3 (LVAD- Heart Mate3) đang là một trong những kỹ thuật tiên tiến nhất, kỹ thuật cao nhất trong lĩnh vực tim mạch, đặc biệt trong điều trị các bệnh nhân suy tim nặng. Với khả năng hỗ trợ, thay thế chức năng bơm máu của tâm thất trái, thiết bị sẽ làm cải thiện lưu lượng máu đến các cơ quan trong cơ thể, giúp bệnh nhân duy trì cuộc sống bình thường.
Đây là thiết bị hỗ trợ thất trái duy nhất trên thế giới hiện nay được các Hiệp hội tim mạch đã công nhận như một giải pháp điều trị thay thế lâu dài khi chưa có tim ghép. "Thành công này mở ra cơ hội cho hàng nghìn người bệnh suy tim giai đoạn cuối, bởi họ vốn chỉ có cách chờ ghép tim mới có thể sống, trong khi nguồn tạng hiến vẫn vô cùng ít ỏi so với số người chờ ghép", TS Đức cho biết.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam ghép tim nhân tạo. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam được phép thực hiện thường quy kỹ thuật đặt thiết bị hỗ trợ thất trái theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng. Bệnh viện đã đầu tư, chi trả trên 5 tỷ đồng cho những bệnh nhân đầu tiên thực hiện cấy ghép tim nhân tạo bán phần.
Trước đó, bệnh viện đã chủ động cử ê kíp gồm bốn bác sĩ (hai bác sĩ ngoại tim mạch, một bác sĩ hồi sức tim mạch và một bác sĩ gây mê) tới Bệnh viện Đại học Y Hannover (Đức) - trung tâm hàng đầu thế giới về kỹ thuật này để học tập, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của GS. Jan D.Schmitto.
Bệnh viện cũng đã cử một Bác sĩ hồi sức tim mạch sang Bệnh viện St Vincent’s Sydney tại Úc (nơi vừa thực hiện thành công ca cấy ghép tim nhân tạo toàn phần BiVACOR đầu tiên cách đây vài tháng) và một bác sĩ ngoại tim mạch học tập hai năm tại Trung tâm tim mạch quân đội - Đức.
Đồng thời, tại Australia, TS. Đỗ Thanh Nhỏ cùng cộng sự Đại học New South Wales đã thiết kế thành công trái tim nhân tạo tâm thất trái, có khả năng mô phỏng chuyển động, áp suất máu và dòng chảy như trái tim thật. Trái tim này có thể tái tạo lại các thông số của tim bình thường và bệnh nhân bị bệnh tim (như suy tim).
Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Robotics, tạp chí đầu ngành thế giới về lĩnh vực robot, nhóm nghiên cứu đã nộp bằng sáng chế cho công nghệ này. TS. Đỗ Thanh Nhỏ, 39 tuổi, Giám đốc Phòng thí nghiệm Robot Y tế, chủ nhiệm dự án, có ý tưởng từ năm 2021 khi anh làm việc tại một số bệnh viện ở Sydney.
Khi đó các bác sĩ tim lâm sàng rất trăn trở vì nhiều bệnh nhân sử dụng van tim và bơm tim nhân tạo xuất hiện biến chứng sau cấy ghép. Họ mong muốn có một trái tim nhân tạo giống tim bệnh nhân cho phép thử cấy ghép và kiểm tra nếu có các biến chứng hay các thông số nguy hiểm trước khi thực hiện trên bệnh nhân.
Đây là lý do TS. Đỗ Thanh Nhỏ bắt tay vào nghiên cứu trái tim nhân tạo sử dụng chính công nghệ robot mềm mà phòng thí nghiệm của anh tiên phong. Ban đầu họ gặp khó khăn trong việc tái tạo nhiều lớp cơ tim chồng chất lên nhau và sắp xếp chúng, gia công và điều khiển để tái tạo chính xác giống tim người. Sau nhiều lần thất bại, nhóm đã thành công thiết kế và tạo một tâm thất trái của trái tim với 3 lớp cơ tim bao gồm ngoại tâm mạc (epicardium), cơ tim (myocardium) và nội tâm mạc (endocardium).

Nhờ có cấu trúc gần giống với tim thật nhất, nhóm đã tạo ra các chuyển động sinh học ba chiều, độ co bóp, áp suất máu và dòng chảy giống tim người nhất. GS. Nigel Lovell, trưởng khoa, Trường Cao học Kỹ thuật Y sinh, Giám đốc Viện Công nghệ sức khỏe Tyree IHealthE, cho hay tính hữu ích của công trình này là khả năng tái tạo chính xác chuyển động, áp suất máu và dòng chảy của máu của người bình thường và người bị bệnh tim.
Khả năng này giúp giảm phụ thuộc vào thử nghiệm trên động vật, các chi phí tài chính và đạo đức liên quan. Thiết bị cũng có thể dùng như công cụ hỗ trợ các bác sĩ lâm sàng đánh giá tác động dự đoán của các can thiệp tim mạch, chẳng hạn như cấy ghép van hoặc máy bơm tim trước khi bệnh nhân trải qua phẫu thuật. "Đây sẽ là một cuộc cách mạng trong ngành tim mạch", GS. Nigel Lovell nhấn mạnh.
Hồi đầu năm nay, trong công bố hàng năm “những dự đoán gây sốc” cho năm tới, Saxo Bank, tổ chức tài chính có trụ sở tại Đan Mạch chuyên cung cấp các dịch vụ đầu tư và giao dịch trực tuyến, cho rằng trái tim nhân tạo đầu tiên của con người sẽ xuất hiện vào năm 2025. Tiến bộ mới giúp giảm bớt tình trạng thiếu nội tạng hiến tặng trên toàn cầu và góp phần kéo dài tuổi thọ con người bằng cách thay thế các bộ phận bị hỏng bằng những cơ quan được sản xuất theo yêu cầu riêng.