Thời gian gần đây, lĩnh vực bán dẫn trở nên nóng khi có những đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, đặt văn phòng, mở nhà xưởng.
Đặc biệt, trong tuyến bố chung Việt- Mỹ mới đây cũng đã nhấn mạnh tới vấn đề hợp tác bán dẫn. Thủ tướng Phạm Minh Chính khi thăm, làm việc với một số tập đoàn công nghệ Hoa Kỳ tại thung lũng Silicon như Nvidia và Synopsys chiều ngày 18/9 (theo giờ địa phương), các doanh nghiệp này đều đề cập vấn đề hợp tác chip bán dẫn.
Ví dụ như Nvidia mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam về bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; kỳ vọng Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một cứ điểm sản xuất của tập đoàn này tại Đông Nam Á. Còn Synopsys ký biên bản hợp tác với các cơ quan Việt Nam hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn và lập trung tâm ươm tạo thiết kế chip.
Chia sẻ với VnEconomy chiều ngày 20/9/2023, ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhận định: "Từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hàng đầu khu vực ASEAN và Đông Á về sản xuất chip. Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về công nghiệp chip bán dẫn, tham gia sâu vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu. Triển vọng này nằm trong tầm tay của Việt Nam".
Là một chuyên gia trong lĩnh vực này, có thời gian dài làm công tác quản lý ngành khoa học và công nghệ, ông nhìn nhận thế nào về những thay đổi trong ngành bán dẫn của Việt Nam qua những động thái, diễn biến mới này?
Việc Hoa Kỳ và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện là một điều kiện thuận lợi mở ra cơ hội phát triển công nghiệp chip ở Việt Nam.
Những khó khăn trước đây khiến Việt Nam chưa có ngành công nghiệp chip ngoài việc chưa tự chủ được vật liệu, thiếu công nghệ, một yếu tố rất quan trọng do thiếu các nhà đầu tư có đủ lực để triển khai các dự án về chip. Vì vậy, khi tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ sẽ có những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chip, bán dẫn vào Việt Nam hợp tác, đầu tư. Qua đó sẽ góp phần khơi thông những khó khăn, ách tắc trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam.
Tôi cho rằng, người Việt Nam có năng lực, trình độ về công nghệ thông tin, công nghệ chip, lực lượng thiết kế chip của Việt Nam có những những nhóm nghiên cứu mạnh. Tuy nhiên, từ nghiên cứu đến thử nghiệm, đạt được các chứng chỉ quốc tế, tiến tới thương mại hóa, sản xuất chip là một hành trình rất dài và chi phí đầu tư rất lớn.
Ngay cả khi doanh nghiệp Việt Nam thiết kế được chip cũng không đủ nguồn lực để triển khai làm thử nghiệm, sản xuất quy mô lớn và thương mại hóa.
Vì vậy khi hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài như Hoa Kỳ sẽ tạo thuận lợi để thúc đẩy ngành này phát triển. Tôi tin với những cơ hội thuận lợi mở ra, ngành công nghiệp chip Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh trong những năm tới đây.
Để tạo ra một sản phẩm chip điện tử hoàn chỉnh gồm nhiều quy trình công nghệ phức tạp từ thiết kế, sản xuất bán dẫn trên wafer (tấm nền silicon để in khắc các vi mạch), kiểm thử và đóng gói. Tại Việt Nam chủ yếu mới chỉ có các doanh nghiệp làm thiết kế, kiểm thử, đóng gói sản phẩm chứ chưa có nhà máy sản xuất bán dẫn với quy mô công nghiệp. Việt Nam cần có một nhà máy sản xuất bán dẫn không, thưa ông?
Trước đây, do chúng ta chưa có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nên các công ty của Hoa Kỳ trong lĩnh vực này khi đầu tư vào Việt Nam chỉ ở mức độ cầm chừng.
Ngay cả những doanh nghiệp công nghệ chip lớn như Intel đầu tư vào Việt Nam cũng chỉ ở khâu lắp ráp, đóng gói chứ chưa có thiết kế, thử nghiệm là công đoạn quan trọng nhất trong sản xuất chip.
Tôi cho rằng, Việt Nam muốn trở thành một nước có ngành công nghiệp chip, vi mạch phát triển, cần phải có nhà máy sản xuất. Nhà máy này có thể của doanh nghiệp FDI hoặc doanh nghiệp trong nước đầu tư. Các chip thiết kế xong cần có phòng thử nghiệm, có nhà máy phục vụ sản xuất, thương mại.
Theo ông, với trữ lượng tài nguyên đất hiếm được dự báo tương đối lớn có phải là thế mạnh của Việt Nam trong khai thác phát triển bán dẫn.
Trước đây Việt Nam chưa có ngành công nghiệp vật liệu điện tử bán dẫn nên dù có trữ lượng đất hiếm được dự báo đứng thứ 3 thế giới nhưng nếu có khai thác cũng chỉ bán nguyên liệu thô. Việt Nam không mong muốn khai thác, bán nguyên liệu thô nên việc khai thác đất hiếm đã bị ngưng trệ. Mặc dù Việt Nam đã hợp tác với Nhật Bản trong khai thác, chế biến đất hiếm nhưng khi đó, nhu cầu thị trường còn quá nhỏ nên chưa triển khai thành công.
Ở thời điểm hiện nay, khi thị trường đã rộng mở hơn, với sự hỗ trợ về công nghệ và vốn từ các nước phát triển, tôi cho rằng tài nguyên đất hiếm sẽ có điều kiện khai thác, chế biến tại Việt Nam, tạo ra nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp bán dẫn, vi mạch. Đây là một lợi thế của Việt Nam trong phát triển công nghiệp bán dẫn.
Người Việt Nam có năng lực, trình độ về công nghệ thông tin, công nghệ chip, lực lượng thiết kế chip của Việt Nam có những những nhóm nghiên cứu mạnh. Khi hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài như Hoa Kỳ sẽ tạo thuận lợi để thúc đẩy ngành này phát triển. Tôi tin với những cơ hội thuận lợi mở ra, ngành công nghiệp chip Việt Nam sẽ phát triển rất nhanh trong những năm tới đây.
Ở trong nước, một số doanh nghiệp công nghệ như Viettel, FPT đã tiến hành R&D và phát triển chipset của riêng họ. Ví dụ như FPT đã nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, thương mại hóa chip bán dẫn cung cấp cho một số thị trường quốc tế. Ông nhìn nhận thế nào về sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong lĩnh vực này?
Các viện nghiên cứu, trường đại học tạo ra nguồn nhân lực, kết quả nghiên cứu nhưng để tạo ra các dự án thương mại hóa, các doanh nghiệp vẫn phải vào cuộc, là lực lượng chủ chốt, đi đầu. Với tiềm lực về vốn, thị trường và chủ động sản xuất, các doanh nghiệp có thể hiện thực hóa các nghiên cứu về chip, thương mại hóa ra thị trường.
Ví dụ FPT, với tiềm lực về tài chính, có nhóm nghiên cứu mạnh, có kinh nghiệm làm phần mềm, công nghệ thông tin…, doanh nghiệp này có điều kiện để đầu tư nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm và sản xuất chip thương mại hóa. Doanh nghiệp đã có chương trình sản xuất hàng chục triệu chip để xuất khẩu, phục vụ đặt hàng của các thị trường.
Các nghiên cứu dự báo thị trường bán dẫn toàn cầu có quy mô khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2029. Với những diễn biến trên, ông đánh giá thế nào về cơ hội để Việt Nam tham gia khai thác tiềm năng khổng lồ từ thị trường này?
Theo tôi, cơ hội và triển vọng mở ra để Việt Nam khai thác tiềm năng thị trường tương đối sáng. Có thể trong một vài năm đầu, Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong chuyển giao công nghệ thiết kế, thử nghiệm, sản xuất. Điều này sẽ được khắc phục khi Việt Nam đã bắt nhịp với chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu.
Ngoài ra, khi Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, việc chuyển giao công nghệ sẽ được khơi thông, thuận lợi và dễ dàng hơn.
Hiện nay ở châu Á, Hàn Quốc và Đài Loan đang là những quốc gia và vùng lãnh thổ rất mạnh về sản xuất chip. Với những lợi thế của mình, Việt Nam cũng phải trở thành một quốc gia mạnh về công nghiệp chip bán dẫn như Hàn Quốc và Đài Loan. Ngoài việc tự chủ công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp trong nước, điều này sẽ giúp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, cung cấp các sản phẩm chip bán dẫn cho thế giới.
Vậy, Việt Nam cần hành động gì để có thể khai thác được tiềm năng, cơ hội lớn này, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, thưa ông?
Theo tôi, Việt Nam phải chứng tỏ với thế giới về năng lực, nhân lực đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trong chip, bán dẫn. Trước mắt phải hình thành, phát triển, có nhiều nhóm nghiên cứu mạnh và nhóm thiết kế chip từ các trường đại học, viện nghiên cứu hợp tác với doanh nghiệp.
Tiếp đó, bên cạnh sự hỗ trợ nguồn lực của quốc tế, nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp lớn thế giới trong lĩnh vực này, Việt Nam cần chuẩn bị nguồn lực nội tại, nguồn vốn đầu tư cho nghiên cứu và sản xuất chip.
Việt Nam phải khẳng định được quyết tâm và coi ngành công nghiệp vi mạch, bán dẫn là một lợi thế, điểm nhấn đột phá trong phát triển công nghiệp đất nước.