Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận được kiến nghị của cử tri về việc giải pháp, định hướng lâu dài để góp phần giải quyết những bất cập, hạn chế trong việc tuyển dụng lao động có tay nghề, qua đào tạo. Theo cử tri, việc tuyển dụng lao động hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhất là lao động có tay nghề, qua đào tạo.
Cử tri cũng đề nghị tổ chức đào tạo nghề cho người lao động phải gắn với giải quyết việc làm và đáp ứng với nhu cầu, tiêu chuẩn của các doanh nghiệp trong khu cụm công nghiệp tại địa phương. Đồng thời, tập trung đào tạo công nhân có tay nghề cao, có kỹ năng và tác phong công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp trong nước và đi lao động tại các nước phát triển.
CÁC DOANH NGHIỆP CÓ NHU CẦU TUYỂN DỤNG 1,9 TRIỆU LAO ĐỘNG TRONG NĂM 2024
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động, nhất là lao động có chuyên môn kỹ thuật đã qua đào tạo nghề các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung lao động qua đào tạo, chưa đáp ứng đủ so với cầu của thị trường lao động.
Theo Bộ này, số lượng đầu vào giáo dục nghề nghiệp hạn chế. Thống kê cho thấy số lượng người học trình độ trung cấp, cao đẳng trong giáo dục nghề nghiệp hằng năm từ 400.000 - 500.000 người, so với gần 1 triệu học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hằng năm.
Số còn lại vào học đại học (đối với học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông), hoặc tham gia ngay vào thị trường lao động mà không qua đào tạo, và vào học trung học phổ thông (đối với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở).
Năm 2024, các doanh nghiệp trên cả nước có nhu cầu tuyển dụng khoảng 1,9 triệu lao động, trong đó 44% lao động không qua đào tạo, 19% lao động có trình độ đại học trở lên, và khoảng 37% lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng (tương đương khoảng 700.000 người).
So với nguồn cung lao động ở trình độ này của giáo dục nghề nghiệp, thì còn thiếu khoảng 200.000 - 300.000 người.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo, với nhiều chính sách đãi ngộ tốt làm cho nguồn tuyển sinh các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp bị hạn chế.
Cạnh đó, việc liên thông giữa các trình độ đào tạo hiện nay khá thuận lợi, cũng dẫn đến số người học tốt nghiệp ra trường tham gia ngay vào thị trường lao động giảm.
Với trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết tiếp tục chỉ đạo hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh người học vào giáo dục nghề nghiệp.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với hệ thống giáo dục đào tạo, và các cơ sở giáo dục phổ thông làm tốt công tác phân luồng, định hướng người học vào giáo dục nghề nghiệp, nhằm tăng số lượng đầu vào, cải thiện số lượng và chất lượng đầu ra, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
HOÀN TRẢ HỌC PHÍ NẾU KHÔNG BỐ TRÍ ĐƯỢC VIỆC LÀM SAU ĐÀO TẠO
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, qua theo dõi, báo cáo từ các địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và phản hồi từ các doanh nghiệp, hiện nay người học các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp. Trên 80% học sinh, sinh viên học các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp ra trường có việc làm ngay.
Bộ này cũng nhấn mạnh việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp là chủ trương chỉ đạo xuyên suốt của Bộ.
Từ năm 2018, cơ quan này đã thành lập Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, và việc làm bền vững, để xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phối hợp hoạt động hằng năm.
Qua đó, tăng cường sự gắn kết giữa hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với việc sử dụng lao động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp được khuyến khích tham gia hoạt động đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để học sinh, sinh viên được tiếp cận với doanh nghiệp ngay trong quá trình học tập.
Đây cũng là cơ hội để người học tìm kiếm được việc làm phù hợp, còn doanh nghiệp cũng tuyển dụng được người lao động đúng với nhu cầu sử dụng.
Với chủ trương coi doanh nghiệp là môi trường đào tạo thứ hai ngoài nhà trường, áp dụng mô hình đào tạo “kép” kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp, tại nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh, sinh viên được đến doanh nghiệp để thực hành, thực tập, và ký hợp đồng làm việc ngay từ khi chưa ra trường.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo, và khuyến khích mô hình các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cam kết giải quyết việc làm cho người học ngay khi ra trường, hoàn trả học phí nếu không bố trí được việc làm đúng với ngành nghề đào tạo.
Các chính sách hỗ trợ, quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục nghề nghiệp, và các luật về thuế liên quan, thu hút doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và sử dụng lao động qua đào tạo.