Sau khi giảm mạnh trong quý 4/2022, Vn-Index tăng 104,09 điểm tương đương 10,34% trong tháng 1/2023 kết thúc tháng ở mức 1.111,18 điểm, thanh khoản trung bình mỗi phiên giảm 25,3% so với tháng trước, giảm 20,4%% so với thanh khoản trung bình 5 tháng trước.
Tính giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận, nhà đầu tư cá nhân trong nước là bên bán ròng duy nhất, nhà đầu tư nước ngoài, tự doanh và tổ chức trong nước mua ròng.
Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng, kéo dài chuỗi mua ròng sang tháng thứ 3 liên tiếp dù giá trị mua ròng giảm. Nhóm này ròng 3.787 tỷ đồng trong tháng 1/2023, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ mua ròng 6.792 tỷ đồng. Đây là tháng thứ 3 nước ngoài mua ròng liên tiếp, sau khi mua 15.974 tỷ đồng trên HOSE trong tháng 11 và 12.834 tỷ đồng trong tháng 12/2022.
Sau 3 tháng nước ngoài tạo ra kỷ lục mua ròng 32.596 tỷ đồng liên tiếp, đây là chuỗi mua ròng liên tiếp có giá trị lớn nhất từ trước tới nay.
Tính giao dịch khớp lệnh, nước ngoài mua ròng tập trung vào các mã HPG, FUEVFVND, SSI, VIC, VND, VRE. Cổ phiếu họ VinGroup có cả 3 mã nằm trong top mua ròng, VRE được mua ròng trở lại sau khi họ bán ròng tháng 12. Trong tháng nước ngoài cũng bán ròng mạnh một số cổ phiếu DGC, DPM, PVT, DCM, KDC.
Ngược lại, nhà đầu tư cá nhân tiếp tục bán ròng 4.878 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng khớp lệnh là 9.228 tỷ đồng. Top các cổ phiếu được mua ròng gồm DGC, DPM, DCM, PVT, REE. Trong khi đó họ bán ròng gồm HPG, SSI, VIC, CTG, VPB.
Từ đầu năm 2022 khi lãi suất chịu áp lực tăng cao, nhà đầu tư cá nhân đã bán ròng tổng cộng 35,9 nghìn tỷ, tương đương khoảng 36% quy mô mua ròng của họ trong giai đoạn “tiền rẻ” 2020-2021, theo số liệu thống kê mới nhất từ FiinGroup.
Nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh trong tháng 11-12/2022 và đóng góp tương đối vào giá trị bán ròng này là động thái bán giải chấp của công ty chứng khoán đối với cổ phiếu nắm giữ bởi ban lãnh đạo hay cổ đông lớn ở 1 số doanh nghiệp bất động sản như NVL, PDR và bán tài sản có thanh khoản chủ yếu là cổ phiếu của một số chủ doanh nghiệp để cân đối dòng tiền cho các hoạt động khác, trong đó có đáo hạn/mua lại trái phiếu trước hạn.
Trong đó, nhóm này bán ròng nhiều nhất tập trung ở Ngân hàng với giá trị ròng lên tới 16.378 tỷ đồng, tiếp theo là Thực phẩm đồ uống 7.111 tỷ đồng, Hóa chất 5.900 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại họ mua ròng Bất động sản 6.416 tỷ đồng; Tài nguyên Cơ bản 3.885 tỷ đồng và Vật liệu Xây dựng 272 tỷ đồng.
Xu hướng lãi suất trong và ngoài nước tăng mạnh các tháng gần đây, khiến cho dòng tiền quay lại kênh tiết kiệm, chi phí vốn của doanh nghiệp tăng cũng như tác động trực tiếp đến thanh khoản hệ thống tài chính và dòng tiền vào chứng khoán.
Với lãi suất dự kiến tiếp tục duy trì ở nền cao trong năm 2023, FiinFroup dự báo dòng tiền của cá nhân khó có thể tích cực trở lại.
Cũng theo thống kê của FiinTrade, trong tháng 1 vừa qua, tổ chức trong nước mua ròng 641 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ mua ròng 837 tỷ đồng. Cổ phiếu được mua ròng khớp lệnh nhiều nhất VPB, MBB, CTG, VIB, STB, toàn bộ 5 mã này là ngân hàng. Tổ chức trong nước bán ròng khớp lệnh mạnh nhất FUEVFVND, REE, MSN, PNJJ, GAS.
Tự doanh mua ròng 449 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh giá trị ròng 1.599 tỷ đồng. mua ròng khớp lệnh nhiều nhất VPB, MBB, FPT, TCB, HPG. Họ bán ròng khớp lệnh mạnh nhất FUEVFVND, E1VFVN30, NVL, FUESSVFL, PVD.
Dòng tiền tăng vào cổ phiếu vốn hóa vừa VNMID và nhỏ VNSML, giảm ở nhóm vốn hóa lớn VN30. Tỉ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm Ngân hàng, Tài nguyên cơ bản, Xây dựng và vật liệu, giảm ở nhóm Bất động sản, Chứng khoán, Hóa chất
Trong tháng 12 nhóm Dầu khí, Tài nguyên cơ bản, Chứng khoán tăng mạnh nhất với mức tăng lần lượt là 19,97%, 19% và 17%. Có tổng số 7/19 nhóm ngành cấp 2 tăng 2 chữ số.
Tuy nhiên, tính trong vòng 1 năm, chỉ duy nhất nhóm Công nghệ thông tin còn tăng điểm, ngược lại nhóm giảm mạnh nhất là Truyền thông (-56,5%), Bất động sản (-43,8%), Chứng khoán (-41,3%).