April 07, 2021 | 07:19 GMT+7

Nhà đầu tư hồi hộp chờ báo cáo lợi nhuận, chứng khoán Mỹ trượt dốc cuối phiên

Bình Minh

Nhà đầu tư lạc quan về loạt số liệu khả quan của kinh tế Mỹ, nhưng cũng hồi hộp trước khi bước vào mùa kết quả kinh doanh

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (6/4) nhưng vẫn đóng cửa ở gần mức kỷ lục thiết lập trong phiên trước. Nhà đầu tư lạc quan về loạt số liệu khả quan của kinh tế Mỹ, nhưng cũng hồi hộp trước khi bước vào mùa kết quả kinh doanh quý 1/2021.

Dữ liệu công bố ngày 6/4 cho thấy số công việc đăng tuyển ở Mỹ trong tháng 2 đạt mức cao nhất trong 2 năm do nhu cầu nhân sự của các công ty tăng lên. Con số này được đưa ra sau báo cáo việc làm khả quan mà Bộ Lao động Mỹ công bố hôm thứ Sáu tuần trước và một báo cáo hôm thứ Hai cho thấy hoạt động của ngành dịch vụ đạt mức cao kỷ lục trong tháng 3.

Trong một diễn biến khả quan khác, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 lên 6%, từ mức 5,5% đưa ra trong lần dự báo trước. Đây là một mức tăng trưởng mà thế giới chưa từng đạt được kể từ thập niên 1970.

Về mùa báo cáo kết quả kinh doanh sắp tới, giới phân tích dự báo tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ 2020 của các doanh nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 đạt 24,2% - theo dữ liệu của Refinitiv. Với con số dự báo "khủng" như vậy, nhà đầu tư có thể đang có chút hồi hộp và lo lắng, muốn chờ xem kết quả thực sự ra sao.

"Một câu hỏi lớn chưa được trả lời là nền kinh tế hiện đã ‘mở’ đến mức độ như thế nào, và mọi người đã hoạt động trở lại như thế nào", Phó chủ tịch Stephen Massocca thuộc Wedbush Securities phát biểu. "Giá cổ phiếu hiện nay đang phản ánh kỳ vọng về một nền kinh tế sớm muộn gì cũng quay trở lại trạng thái bình thường, nhưng còn chưa ai dám chắc chúng ta có đang ở trong quá trình bình thường hóa đó hay không".

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 0,29%, còn 33.430,24 điểm; S&P 500 giảm 0,1%; còn 4.073,94 điểm; Nasdaq trượt 0,05%, con 13.698,38 điểm.

Phiên giảm này diễn ra sau khi Dow Jones và S&P 500 cùng lập kỷ lục đóng cửa trong phiên ngày thứ Hai. Điều này cho thấy nhà đầu tư đang đánh giá khả năng duy trì thành quả tăng của những nhóm cổ phiếu có độ nhạy cảm cao với chu kỳ kinh tế như công nghiệp và nguyên vật liệu. Những nhóm này đã dẫn dắt xu hướng tăng của thị trường từ đầu năm đến nay, thay cho vai trò "thủ lĩnh" của cổ phiếu công nghệ trong năm ngoái.

Gần đây, các cổ phiếu chu kỳ có phần đuối sức, trong khi các cổ phiếu công nghệ có dấu hiệu hồi sức sau đợt bán tháo từ đầu năm.

Loạt biện pháp kích cầu bằng tài khóa và tiền tệ, cùng chiến dịch tiêm chủng được đẩy nhanh của Mỹ, đã đưa S&P 500 và Dow Jones lên những đỉnh cao mới trong thời gian gần đây. Dù vậy, chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi ở Phố Wall đã giảm về mức thấp của thời điểm trước khi Covid-19 trở thành đại dịch.

Nhưng ở thời điểm này, nhiều nhà đầu tư đang lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng cũng như đề xuất tăng thuế của Tổng thống Joe Biden. Chưa kể, một số quốc gia đang tiếp tục đối mặt với thách thức trong việc kiểm soát đại dịch. Thủ tướng Canada Justin Trudeau ngày 6/4 nói rằng nước này đang đối mặt với làn sóng Covid thứ ba rất nghiêm trọng.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá phiên này nhiều gấp 1,54 lần số mã giảm; trên sàn Nasdaq, số mã giảm nhiều gấp 1,05 lần số mã tăng. Toàn thị trường có 9,65 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 12,39 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate