Tâm lý ham thích rủi ro khuyến khích nhà đầu tư nhảy vào “bắt đáy” sau khi giá dầu lao dốc trong phiên đầu tuần, mặc số liệu cho thấy lượng dầu thô tồn kho của Mỹ tăng.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 4,15%, đạt 72,23 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 4,61%, chốt ở 70,3 USD/thùng.
Dù tăng hai phiên liên tiếp vào ngày thứ Ba và thứ Tư, giá dầu vẫn chưa lấy lại được toàn bộ cú giảm 7% vào ngày thứ Hai – phiên “đổ đèo” sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nước đồng minh, tức liên minh OPEC+, nhất trí nâng sản lượng khai thác dầu thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 8.
Phiên bán tháo vào đầu tuần trên thị trường dầu còn xuất phát từ nỗi lo biến chủng Delta của Covid-19 lây lan mạnh sẽ gây giảm tốc nhu cầu tiêu thụ năng lượng toàn cầu, đặc biệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh và Nhật Bản.
Báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ngày 21/7 cho thấy lượng dầu thô tồn kho của nước này tăng lần đầu tiên kể từ tháng 5 và hoàn toàn nằm ngoài dự báo. Tồn kho dầu thô tăng 2,1 triệu thùng trong tuần trước, lên 439,7 triệu thùng, thay vì giảm 4,5 triệu thùng như dự báo trước đó.
Tuy nhiên, lượng tồn kho xăng và các sản phẩm chưng cất giảm tương ứng 121.000 thùng và 1,3 triệu thùng.
“Mức tồn kho dầu thô tăng rõ ràng là một điều bất ngờ, có thể là kết quả của lượng nhập khẩu tăng và lượng xuất khẩu giảm mạnh”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nhận định. “Báo cáo vừa công bố chỉ có dữ liệu về tồn kho xăng và tồn kho sản phẩm chưng cất là có lợi cho giá dầu”.
Một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đạt bình quân 99,6 triệu thùng/ngày trong tháng 8 năm nay, tăng 5,4 triệu thùng/ngày so với hồi tháng 4.
Tuy nhiên, JPMorgan Chase cho rằng nhu cầu dầu của thế giới trong quý 4/2021 chỉ tăng 330.000 thùng/ngày so với mức cơ sở của cùng kỳ năm 2019, vì đó là thời điểm bán cầu Bắc đã trở nên lạnh hơn và mùa đi lại cao điểm trong những tháng hè đã qua đi.