December 12, 2023 | 22:40 GMT+7

Nhà ga quốc tế Đà Nẵng là nhà ga sân bay đầu tiên tại Đông Nam Á đạt chứng nhận "Welcome Chinese"

Ngô Anh Văn -

Ngày 11/12/2023, nhà ga quốc tế Đà Nẵng đã trở thành nhà ga sân bay đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đạt chứng nhận "Welcome Chinese", được cấp bởi China Tourism Academy (Học viện Du lịch Trung Quốc) -tổ chức nghiên cứu thuộc Tổng cục Du lịch quốc gia Trung Quốc có trụ ở tại Bắc Kinh...

Nhà ga quốc tế Đà Nẵng đã trở thành nhà ga sân bay đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đạt chứng nhận Welcome Chinese
Nhà ga quốc tế Đà Nẵng đã trở thành nhà ga sân bay đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đạt chứng nhận Welcome Chinese

Ông Đỗ Trọng Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT), cho biết Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (Nhà ga T2) vừa được xếp hạng Gold – hạng cao nhất trong 3 hạng Silk, Jade, Gold của chứng nhận Welcome Chinese được cấp bởi China Tourism Academy (Học viện Du lịch Trung Quốc) - tổ chức nghiên cứu có trụ ở tại Bắc Kinh, được thành lập năm 2008, trực thuộc Tổng cục Du lịch quốc gia Trung Quốc.

Tính đến nay, Nhà ga quốc tế Đà Nẵng trở thành nhà ga sân bay đầu tiên tại Đông Nam Á đạt được chứng nhận này. Đây cũng là minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt của nhà ga trong việc thấu hiểu và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách Trung Quốc.

Chứng nhận Welcome Chinese cấp cho Nhà ga quốc tế Đà Nẵng.
Chứng nhận Welcome Chinese cấp cho Nhà ga quốc tế Đà Nẵng.

Trên thế giới, các quốc gia có sân bay đạt chứng nhận "Welcome Chinese" gồm: Italy có 4 sân bay; các nước gồm: Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Saudi Arabia mỗi quốc gia có 1 sân bay đạt chứng nhận "Welcome Chinese".

Để đạt chứng nhận "Welcome Chinese", Nhà ga quốc tế Đà Nẵng đã thực hiện các hạng mục bao gồm: Hiển thị ngôn ngữ tiếng Trung lên các bảng chỉ dẫn, màn hình hiển thị chuyến bay, thực đơn các nhà hàng, bản đồ, website; cung cấp nước nóng miễn phí; nhân viên nói tiếng Trung Quốc; các cửa hàng cung cấp dịch vụ thanh toán qua UnionPay, Wechat Pay và có quầy hoàn thuế…

Theo ông Đỗ Trọng Hậu, nhà ga Nhà ga T2 sân bay quốc tế Đà Nẵng là cửa ngõ quan trọng đồng thời cũng là điểm chạm đầu tiên của du khách quốc tế khi tới Đà Nẵng. Chứng nhận "Welcome Chinese" sẽ giúp tăng cường hình ảnh của nhà ga nói riêng và Đà Nẵng nói chung, như một điểm đến thuận tiện và hiếu khách với cộng đồng du khách Trung Quốc, góp phần quảng bá rộng rãi, đưa các dịch vụ du lịch địa phương tiếp cận gần hơn tới thị trường quan trọng này.

“Kể từ khi thế giới mở cửa trở lại sau đại dịch, Nhà ga quốc tế Đà Nẵng đã liên tục thực hiện nhiều hạng mục nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tạo không gian xanh, tối ưu quy trình, phát triển hệ sinh thái tiện ích phù hợp cho các nhóm đối tượng đạo Hồi, du khách Trung Quốc, Hàn Quốc…Đồng thời, nhà ga cũng tiên phong mang tới nhiều hoạt động, dịch vụ mới như phát triển đội hỗ trợ hành khách thông thạo đa ngôn ngữ, đưa văn hóa bản địa vào hoạt động biểu diễn “Con đường di sản”, tổ chức các sự kiện lớn như Tết cổ truyền, Tết thiếu nhi, Trung Thu, Quốc Khánh, Giáng Sinh…”, ông Hậu thông tin thêm.

Trước đó, tháng 3/2023, Nhà ga quốc tế Đà Nẵng vinh dự trở thành nhà ga đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng nhận 4 sao Skytrax. Với tinh thần hiếu khách nhà ga luôn cố gắng đổi thay mỗi ngày để song hành cùng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách quốc tế, mang đến những trải nghiệm tuyệt vời nhất đến với du khách khi đi qua nhà ga này.

Theo thông tin từ Công ty Cổ phần đầu tư khai thác Nhà ga quốc tế Đà Nẵng (AHT), cập nhật đến ngày 07/12/2023, đã có 16 đường bay quốc tế thường kỳ đang khai thác đến Đà Nẵng, bao gồm: Băng Cốc, Chiang Mai (Thái Lan), Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Đài Bắc, Cao Hùng (Đài Loan – Trung Quốc), Macau (Trung Quốc), Hồng Công (Trung Quốc), Siêm Riệ (Campuchia), Incheon – Busan - Daegu - Cheongju – Muan (Hàn Quốc), Narita (Nhật Bản) và đường Manila (Philippines) - Đà Nẵng đưa khai thác từ ngày 7/12/2023. Tần suất các chuyến bay quốc tế đạt 45 – 50 chuyến/ngày.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate