Sáng ngày 25/7, nhà máy điện rác Sóc Sơn đặt tại khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) có tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng do chủ đầu tư Công ty Cổ phần môi trường năng lượng Thiên Ý đã được hòa lưới điện quốc gia với công suất phát điện đốt rác là 15 MW ở giai đoạn 1.
Đại diện Công ty Cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội cho biết, việc vận hành nhà máy được chia làm 3 giai đoạn, với 5 lò đốt và 3 tổ máy phát điện. Dự kiến, khi được đưa vào vận hành, ở giai đoạn 1, với 1 lò đốt và 1 tổ máy vận hành, nhà máy sẽ xử lý 1.000 tấn rác mỗi ngày, sau đó nâng dần lên 3.000 tấn và 5.000 tấn ở giai đoạn 2, 3. Nếu hoạt động với 100% công suất, nhà máy sẽ xử lý được khoảng 70% lượng rác thải hàng ngày của Hà Nội hiện nay.
Với việc chính thức đi vào vận hành và xử lý hàng nghìn tấn rác của thủ đô phát sinh mỗi ngày, nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ góp phần quan trọng trong vấn đề xử lý rác quá tải, hạn chế chôn lấp rác và nguy cơ ô nhiễm rác thải tại Hà Nội.
Như vậy đến nay, Nhà máy điện rác Sóc Sơn đã sẵn sàng tiếp nhận rác và biến rác thành điện năng. Toàn bộ quy trình xử lý rác để phát điện đều được tự động hóa bằng công nghệ của Bỉ. Theo thiết kế, công suất phát điện cao nhất của nhà máy là 75MW, một phần điện thu được sẽ cung cấp cho nhu cầu của nhà máy, số còn lại sẽ được hòa vào lưới điện Quốc gia. Tro xỉ sau quá trình đốt cũng được tận dụng làm vật liệu xây dựng.
Với việc chính thức đi vào vận hành và xử lý một lượng lớn hàng nghìn tấn rác của thủ đô phát sinh mỗi ngày, nhà máy điện rác Sóc Sơn sẽ góp phần quan trọng trong xử lý rác quá tải, hạn chế chôn lấp rác và nguy cơ ô nhiễm rác thải tại Hà Nội.
Theo thống kê, trung bình mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 6.500 tấn rác thải sinh hoạt. Các chuyên gia ước tính, mỗi năm, số rác thải của thành phố sẽ tăng thêm khoảng 5%. Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại. Thành phố Hà Nội hiện có 3 khu vực xử lý rác chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn), Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (Sơn Tây) và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (Nam Từ Liêm) nhưng chủ yếu rác thải sinh hoạt chôn lấp hoặc đốt, không phát điện.
Trước đó, năm 2017, Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy điện rác Sóc Sơn với nguồn vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Cuối năm 2019, lãnh đạo Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết, hoàn thành dự án vào tháng 8/2020, vận hành vào tháng 10/2020.