Trong họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023, khi trả lời về giải pháp chấn chỉnh tình trạng đối tượng cò mồi lợi dụng sự khan hiếm của nhà ở xã hội để bán kiếm tiền chênh lệch. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua Đảng, Chính phủ rất quan tâm đầu tư phát triển nhà ở xã hội đối với công nhân, người thu nhập thấp ở đô thị, nhằm hỗ trợ được về nhà ở cho một lượng lớn người lao động, thu nhập thấp. Bởi thế, nhiều chính sách ưu đãi liên quan đến nhà ở xã hội đã ban hành.
Theo đó, pháp luật quy định đối tượng được mua nhà ở xã hội là: người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp trong, ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân, quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức; đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định pháp luật mà chưa được Nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.
Các đối tượng trên phải đáp ứng đủ điều kiện về nhà ở như: chưa có nhà ở, hoặc có nhà ở nhưng diện tích bình quân nhỏ hơn 10 m2/người; phải có đăng ký hộ khẩu thường trú, hoặc xác nhận đăng ký tạm trú và giấy xác nhận đóng bảo hiểm xã hội từ 01 năm trở lên tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; không thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân, tức là nhỏ hơn hoặc bằng 11 triệu sau khi giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu/người và mỗi hộ gia đình, cá nhân chỉ được giải quyết hỗ trợ mua nhà ở xã hội một lần.
Còn trình tự tiếp nhận hồ sơ, chủ đầu tư nhà ở xã hội có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, lập danh sách người dự kiến mua nhà ở xã hội gửi Sở Xây dựng. Tiếp đó, Sở Xây dựng phối hợp cơ quan liên quan kiểm tra danh sách đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và cập nhật danh sách lên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng, Bộ Xây dựng để cơ quan liên quan có thể kiểm tra, giám sát. Sau khi xác định danh sách đối tượng được mua sẽ tiến hành tổ chức bốc thăm công khai.
Thứ trưởng cho rằng, mặc dù quy định rất rõ ràng song thời gian qua, một số địa phương như: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, Đắk Lắk… vẫn có đối tượng trung gian cò mồi, lợi dụng sự khan hiếm của nhà ở xã hội để rao mua bán nhằm trục lợi. Trước tình hình như vậy, Bộ Xây dựng đã có văn bản yêu cầu địa phương nơi xảy ra hiện tượng đó kiểm tra làm rõ thông tin và có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Nếu phát hiện sai phạm cần thu hồi nhà ở xã hội bán không đúng đối tượng.
Tuy nhiên, về lâu dài, giải pháp cần làm là phải tăng cường đầu tư, phát triển nhà ở xã hội ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt đề án 1 triệu nhà ở xã hội cho công nhân giai đoạn 2021 - 2030. Mà để thực hiện nhiệm vụ, các bộ ngành liên quan phải tham gia tích cực, đồng thời đôn đốc địa phương khẩn trương triển khai tốt đề án, công khai điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng mua nhà ở xã hội; tổ chức, quản lý chặt chẽ việc mua bán nhà ở xã hội. Ngoài ra, các địa phương cũng phải thanh tra, kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn; cương quyết có biện pháp khắc phục trong trường hợp sai phạm.
Bên cạnh đó, với doanh nghiệp, chủ đầu tư khi thực hiện các dự án cần xác định đúng đối tượng, tiêu chí, quy định pháp luật về nhà ở đã đề ra. Đặc biệt nắm bắt rõ thông tin việc mua-bán nhà ở xã hội của dự án mình.