Semiconductor Manufacturing International Corp. (SMIC), nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, ngày 10/9, cho biết đang hợp tác với chính quyền Thượng Hải để xây dựng một nhà máy mới với tổng mức đầu tư 8,87 tỷ USD tại thành phố này.
Động thái này nằm trong chiến lược thúc đẩy năng lực tự chủ về chip của chính phủ Trung Quốc trong bối cảnh thế giới đang thiếu chip trầm trọng.
Trong báo cáo nộp cơ quan quản lý ngày 10/9, SMIC cho biết nhà máy chip mới của công ty sẽ được xây dựng thông qua một liên doanh với Cơ quan quản lý khu thương mại tự do Lin-Gang của thành phố Thượng Hải. Nhà máy này sẽ sản xuất các con chip công nghệ cao như chip 28 nm hoặc cao cấp hơn, và có thể xuất xưởng 100.000 sản phẩm mỗi tháng khi được đưa vào hoạt động.
SMIC cho biết liên doanh này có vốn đăng ký 5,5 tỷ USD. Số vốn còn lại sẽ được huy động thông qua các nhà đầu tư thuộc bên thứ ba.
Kế hoạch đầu tư của SMIC được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến cuộc khủng hoảng thiếu chip tồi tệ nhất trong nhiều năm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nhà sản xuất ôtô trên thế giới và đẩy giá mặt hàng điện tử tiêu dùng tăng cao.
SMIC là hãng chip mới nhất công bố kế hoạch đầu tư tăng năng lực sản xuất khi ngành này đang “quay cuồng” để đáp ứng nhu cầu. Trước đó, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) cho biết sẽ đầu tư 100 tỷ USD trong 3 năm để xây nhà máy mới. Hãng công nghệ khổng lồ Hàn Quốc Samsung Electronics Co. cũng có kế hoạch đầu tư 116 tỷ USD tới năm 2030 để mở rộng sản xuất.
Hãng chip GlobalFoundries Inc. của Mỹ dự kiến tăng gấp đôi đầu tư để tăng sản lượng. Hãng công nghệ Intel mới đây cũng tuyên bố đầu tư 20 tỷ USD để xây các nhà máy sản xuất chip mới tại châu Âu và đang xem xét thương vụ mua lại GlobalFoundries.
Vài năm gần đây, chính phủ Trung Quốc liên tục thúc đẩy hoạt động sản xuất chip nội địa trong bối cảnh Mỹ áp lệnh hạn chế xuất khẩu mặt hàng, giáng một đòn mạnh vào các công ty Trung Quốc như SMIC và Huawei.
Đầu năm nay, SMIC thừa nhận đã không thể tận dụng hết cơ hội từ nhu cầu chip tăng cao do các lệnh hạn chế của Washington khiến công ty này không thể tiếp cận một số công nghệ và nhà cung cấp của Mỹ.
Chủ trương thúc đẩy sản xuất chip nội địa của Bắc Kinh đã tạo ra một làn sóng đầu tư mạnh của cả khu vực nhà nước và tư nhân vào các hãng chip nội. Tuy nhiên, không phải dự án có vốn “khủng” nào cũng thành công.
Tsinghua Unigroup Co., một công ty có vai trò chủ chốt trong chiến lược thúc đẩy sự tự chủ về chip của Bắc Kinh, năm ngoái tuyên bố vỡ nợ trái phiếu. Tháng 7 năm nay, Tsinghua cho biết một trong các chủ nợ đã yêu cầu tòa án bắt đầu quy trình phá sản đối với công ty.