March 19, 2010 | 15:39 GMT+7

Nhận con nuôi phải trả những khoản phí gì?

Anh Quân

Quy định về lệ phí đăng ký và chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp

Nữ diễn viên người Mỹ Angelina Jolie và cậu con nuôi người Việt Pax Thien. Nhiều ý kiến băn khoăn rằng thu phí nhận con nuôi quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa tốt đẹp của hoạt động nhân đạo này.
Nữ diễn viên người Mỹ Angelina Jolie và cậu con nuôi người Việt Pax Thien. Nhiều ý kiến băn khoăn rằng thu phí nhận con nuôi quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến ý nghĩa tốt đẹp của hoạt động nhân đạo này.
Điều 10 quy định về lệ phí đăng ký và chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài tại dự án Luật Nuôi con nuôi tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp tại phiên họp thứ 29 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12, tổ chức sáng 18/3.

Theo Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, chi phí giải quyết nuôi con nuôi rất được các nước quan tâm. Cách đây vào ngày, 12 đại sứ các nước tại Hà Nội đã gặp Bộ Tư pháp xin cho biết điều khoản về chi phí này, ông Cường kể lại.

Người đứng đầu Bộ Tư pháp khẳng định, các khoản chi phí quy định tại dự thảo Luật Nuôi con nuôi là hoàn toàn phù hợp Công ước La Hay. Hiện nay, trên thế giới đã có một số nước quy định mức thu cụ thể như Trung Quốc là 5.000 USD và 700 USD; Philippines áp dụng mức 1.000 USD và 2.000 USD; Thái Lan là 2.000 USD…

Tuy nhiên, việc đưa chi phí giới thiệu trẻ em làm con nuôi; chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục từ khi trẻ được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi; chi phí làm hồ sơ, công chứng, chứng thực, dịch thuật, thủ tục hộ chiếu, visa, xuất nhập cảnh cho người được nhận làm con nuôi vào dự thảo đã không nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đình Nhã lập luận, chi phí giới thiệu dễ được hiểu là môi giới con nuôi để kiếm tiền, chi phí nuôi dưỡng cũng khá mơ hồ... "Không khéo có cảm giác chúng ta bán con nuôi cho người nước ngoài", ông Nhã lên tiếng.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng thì lo ngại quy định về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục… Khoảng thời gian đến khi giao nhận con nuôi chúng ta chưa hình dung là bao lâu, và nếu cộng lại không phải nhỏ, nhất là với các cháu bị ốm đau, tật nguyền, ông nói.

Trong nhìn nhận của Trưởng ban Dân nguyện, dường như có điều chưa ổn khi quy định nhiều khoản chi phí đối với người nhận nuôi con nuôi nước ngoài.

Ông Vượng phân tích rằng, các trung tâm nuôi trẻ mồ côi hiện nay nhận kinh phí từ nhiều nguồn, một phần ngân sách, tài trợ, hỗ trợ, nay lại nhận các loại phí này thì có gì đó không ổn lắm, trong khi đây lại là việc nhân đạo.

Còn chi phí hộ chiếu, công chứng… đã có quy định, người nhận con nuôi đương nhiên hiểu là phải nộp, nhưng nhìn vào đây thấy nhiều quá, ông nói.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng băn khoăn với quy định liên quan đến chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục từ khi được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục nhận con nuôi.

"Chúng ta đưa ra quy định trình tự thủ tục tổng cộng có thể kéo dài đến 210 ngày phát sinh chi phí, như vậy cần cân nhắc thêm", bà Mai lưu ý.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng chia sẻ lo ngại của những người đồng cấp. "Khi chúng tôi đặt ra lệ phí đã băn khoăn rồi, cố tìm giải pháp. Sự thực ý kiến cá nhân tôi là bỏ hết", ông nói. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Thuận cũng nhận thấy khó khăn khi tìm nguồn vốn cho các khoản chi có thực này. "Chi phí hồ sơ, dịch thuật… phải nộp thì đương nhiên trẻ em không thể, trong khi ngân sách nhà nước không dễ hỗ trợ. Các chi phí như làm hộ chiếu 200 nghìn đồng/chiếc và nhiều thủ tục khác lấy đâu ra, có nên quy định vào luật không?", ông Thuận nêu vấn đề.

Lưu ý thêm, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, nhiều cơ sở nuôi dưỡng trẻ em vừa qua đã phải ngừng hoạt động vì khoản chi hạn chế, khó duy trì.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu cho rằng, quy định người nước ngoài nhận con nuôi phải trả chi phí cụ thể thế nào cần rà soát để tránh hiểu lầm. Ông lưu ý ban soạn thảo cần thể hiện lại điều khoản này cho rõ, phù hợp Công ước La Hay và các tổ chức quốc tế hiện tại đang chấp nhận.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate