July 30, 2021 | 15:15 GMT+7

Nhận diện các hành vi gian lận trong xuất khẩu khoáng sản

Khoáng sản luôn là mặt hàng mang lợi nhuận cao và đây cũng là mặt hàng được kiểm soát chặt khi xuất khẩu. Do lợi nhuận cao, thời gian qua đã xuất hiện nhiều hành vi gian lận nhằm qua mặt cơ quan chức năng để xuất khẩu khoáng sản...

Khoáng sản luôn là mặt hàng mang lợi nhuận cao và đây cũng là mặt hàng được kiểm soát chặt khi xuất khẩu.
Khoáng sản luôn là mặt hàng mang lợi nhuận cao và đây cũng là mặt hàng được kiểm soát chặt khi xuất khẩu.

Tổng cục Hải quan đã thống kê một số hành vi gian lận phổ biến đế cảnh báo đến các cục Hải quan địa phương để cán bộ hải quan nhận biết, ngăn chặn.

DOANH NGHIỆP LẬP LỜ TRONG KHAI BÁO HẢI QUAN

Xuất khẩu khoáng sản nhưng khai báo làm vật liệu xây dựng thông thường; Làm giả, sửa chữa, sử dụng, quay vòng chứng từ, hóa đơn mua bán, hợp đồng mua bán khoáng sản để xuất khẩu khoáng sản không có nguồn gốc rõ ràng; Khai báo sai số lượng, tên hàng, chủng loại, mã số hàng hóa; Gian dối trong việc sử dựng các văn bản hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước…

Đó là những hành vi gian lận để xuất khẩu khoáng sản được Tổng cục Hải quan liệt kê trong văn bản gửi đến các đơn vị Hải quan. Theo Tổng cục Hải quan, những hành vi này được tổng kết từ nhiều vụ vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý thời gian qua.

Theo văn bản của Tổng cục Hải quan, thời gian qua tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh lực lượng hải quan đã phát hiện hành vi xuất khẩu khoáng sản nhưng doanh nghiệp xuất khẩu lại khai báo là vật liệu xây dựng thông thường. Trong khi đó, khoáng sản xuất khẩu phải khai thác từ mỏ do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép khai thác.

Theo quy định, việc xuất khẩu vật liệu xây dựng thông thường doanh nghiệp chỉ cần có giấy phép khai thác do UBND cấp tỉnh cấp. Một số doanh nghiệp được UBND cấp phép cho khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường đã nhập nhèm để đưa khoáng sản đi xuất khẩu.

Trước hành vi này lực lượng hải quan đã phải trưng cầu giám định của các đơn vị chuyên môn và khẳng định mặt hàng xuất khẩu là khoáng sản, không phải vật liệu xây dựng thông thường. Do đó, để xuất khẩu khoáng sản doanh nghiệp phải được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác theo quy định tại Luật Khoáng sản.

Ngoài ra, thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện hành vi làm giả, sửa chữa, sử dụng, quay vòng chứng từ, hóa đơn mua bán, hợp đồng mua bán khoáng sản để xuất khẩu khoáng sản không có nguồn gốc rõ ràng, khoáng sản được khai thác từ các mỏ chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác theo quy định tại Luật Khoáng sản.

Tổng cục Hải quan cũng thừa nhận hành vi này khá phổ biến vì việc xác minh, giám định giấy tờ, hoá đơn thường rất khó và mất nhiều thời gian. Trong văn bản của Tổng cục Hải quan còn chỉ ra hành vi khai báo gian dối số lượng, tên hàng, chủng loại, mã số hàng hóa nhằm mục đích gian lận về thuế.

Lực lượng chức năng còn phát hiện doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản đã sử dụng văn bản của UBND tỉnh hướng dẫn thu hồi khoáng sản không phải làm vật liệu xây dựng thông thường trong khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Theo quy định, việc thu hồi khoáng sản không phải làm vật liệu xây dựng thông thường này phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng chính phủ chấp thuận mới được xuất khẩu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chỉ dựa vào văn bản hướng dẫn thực hiện của UBND cấp tỉnh cũng đưa đi xuất khẩu.

Còn có tình trạng, doanh nghiệp mới chỉ được cấp giấy phép thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản mà chưa có giấy pháp khai thác, thu hồi khoáng sản theo quy định nhưng vẫn lập lờ để khai thác và đưa đi xuất khẩu.

Liên quan đến khoáng sản tồn kho, theo quy định phải được cơ quan chức năng kiểm tra thực tế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đồng ý mới được đem đi xuất khẩu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chỉ sử dụng văn bản hướng dẫn thực hiện của cơ quan quản lý Nhà nước đã đem đi xuất khẩu…

SIẾT CHẶT ĐẦU RA CỦA KHOÁNG SẢN

Cùng với việc giúp cán bộ hải quan cơ sở nhận diện các hành vi gian lận trong xuất khẩu khoáng sản, Tổng cục Hải quan cũng đã hướng dẫn các đơn vị Hải quan việc điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong hoạt động xuất khẩu khoáng sản, có dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc khai thác...

Theo đó, Tổng cục Hải quan giao Cục Kiểm định Hải quan xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện việc giám định đối với các mẫu khoáng sản xuất khẩu. Cục Kiểm tra sau thông quan tiến hành đánh giá, kiểm tra sau thông quan đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm.

 

Doanh nghiệp xuất khẩu khoáng sản phải báo cáo định kỳ cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp có trụ sở chính và nộp bản sao báo cáo này cho cơ quan Hải quan nơi doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất khẩu để đối chiếu, so sánh số liệu hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, các đơn vị hải quan sẽ tiến hành thu thập thông tin, dữ liệu, hồ sơ liên quan hoạt động xuất khẩu khoáng sản trong thời gian qua của từng địa phương, doanh nghiệp… Qua đó sẽ thực hiện xác minh hồ sơ, tài liệu nước ngoài đối với lô hàng khoáng sản xuất khẩu có dấu hiệu nghi vấn vi phạm pháp luật.

Các đơn vị hải quan chỉ thực hiện đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu đối với khoảng sản được khai thác từ các mỏ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản. Chỉ cho xuất khẩu những khoáng sản có trong danh mục được phép.

Trong trường hợp đặc biệt, nếu khoáng sản không nằm trong danh mục thì phải được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ quản lý chuyên ngành có văn bản đồng ý, cho phép xuất khẩu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate