Theo Hiệp hội Giám sát Bảo hiểm Quốc tế (IAIS), rủi ro hệ thống trong lĩnh vực bảo hiểm về tổng thể là vừa phải và thấp so với rủi ro của lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, tổng điểm rủi ro hệ thống của các công ty bảo hiểm toàn cầu đang có xu hướng tăng lên. IAIS cho biết điều này trong “Báo cáo thị trường bảo hiểm toàn cầu năm 2022 (GIMAR), phác thảo các kết quả chính của hoạt động giám sát toàn cầu (GME) năm 2022”.
GME xây dựng dựa trên dữ liệu được thu thập từ khoảng 60 tập đoàn bảo hiểm quốc tế lớn nhất và tổng hợp dữ liệu toàn ngành từ các cơ quan giám sát trên toàn cầu. Thông qua GME, IAIS giám sát các xu hướng và sự phát triển của thị trường bảo hiểm toàn cầu, phát hiện khả năng tích tụ rủi ro hệ thống và tạo điều kiện thảo luận tập thể về phản ứng giám sát phù hợp ở cấp ngành và từng công ty bảo hiểm.
CHẤT LƯỢNG TÀI SẢN BẢO HIỂM TOÀN CẦU ĐI XUỐNG
Theo GME, rủi ro hệ thống của các công ty bảo hiểm được thúc đẩy bởi sự gia tăng mức độ rủi ro đối với các tài sản kém thanh khoản, khó định giá, các khoản đầu tư ngắn hạn (đặc biệt là các giao dịch mua lại) và các tài sản nội bộ (bao gồm cả tái bảo hiểm). Các nhân tố này góp phần tạo ra những lỗ hổng tiềm ẩn cho lĩnh vực bảo hiểm, đặc biệt là khi lãi suất tăng nhanh.
Năm 2021, nhờ hiệu quả hoạt động mạnh mẽ trên thị trường tài chính nên khả năng thanh toán và khả năng sinh lời của các công ty bảo hiểm toàn cầu được cải thiện. Năm 2022, chất lượng tín dụng tổng thể đối với tài sản của các công ty bảo hiểm vẫn duy trì ở mức cao; tuy nhiên, mức độ tiếp xúc với các tài sản dưới mức đầu tư đã tăng lên. Một số doanh nghiệp bảo hiểm tiếp tục mua lại cổ phần và/hoặc mua lại nợ thứ cấp. Những doanh nghiệp khác đã phát hành cổ phiếu và/hoặc nợ thứ cấp để tăng cường vốn và thanh khoản.
Kể từ năm 2022, sự bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu, và triển vọng kinh tế xấu dẫn đến rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản gia tăng đối với các doanh nghiệp bảo hiểm.
Những dư chấn nói trên được nhiều tổ chức quốc tế dự báo sẽ còn tiếp tục trong năm 2023. Đây cũng là vấn đề cần các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp bảo hiểm cần ưu tiên quan sát để có những đối sách kịp thời.
Lạm phát tiếp tục được coi là rủi ro vĩ mô số một và dự báo sẽ đeo bám dai dẳng, ngay cả khi lạm phát toàn phần giảm nhanh trong năm tới. Lạm phát sẽ làm giảm đà tăng trưởng của kinh tế toàn cầu do lãi suất tăng cao.
Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, Swiss Re dự báo tăng trưởng toàn cầu chậm lại và lạm phát có thể sẽ làm giảm tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm tính theo giá trị thực tế xuống dưới 1% trong năm 2023.
HIỆU QUẢ KINH DOANH THẤP
Đối với các công ty bảo hiểm phi nhân thọ, lạm phát cao hơn làm tăng chi phí và mức độ nghiêm trọng của yêu cầu bồi thường, bên cạnh việc đánh giá lại các khoản dự phòng. Trên toàn cầu, các cơ quan giám sát đã tăng cường theo dõi và giám sát các rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản trong lĩnh vực bảo hiểm. Đà tăng trưởng có thể được phục hồi trong 1 – 2 năm tới nếu lạm phát giảm tốc và xu hướng thị trường “cứng” được duy trì. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ toàn cầu dự kiến sẽ thấp hơn trong năm 2022 do hiệu quả kinh doanh nghiệp vụ và kết quả đầu tư yếu kém hơn, nhưng sẽ tăng trở lại mức cao nhất trong 10 năm vào năm 2024 khi điều kiện thuận lợi về lãi suất và phí bảo hiểm tăng có tác dụng.
Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, doanh thu phí bảo hiểm toàn cầu theo giá trị thực tế ước giảm 1,9% trong năm 2022 do người tiêu dùng phải đối mặt với sức ép về chi phí sinh hoạt, nhưng xu hướng tăng trưởng sẽ quay trở lại vào năm 2023 và 2024, động lực chính đến từ các thị trường mới nổi. Khả năng sinh lời của lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ đang được cải thiện do lãi suất tăng và việc chuẩn hóa dữ liệu bồi thường tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rủi ro thanh khoản đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khi lãi suất tăng.
BA XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN BẢO HIỂM NĂM 2023
Trong báo cáo Triển vọng thị trường bảo hiểm 2023, các chuyên gia của Deloitte đã chỉ ra 3 xu hướng chính sẽ tác động đến ngành bảo hiểm toàn cầu.
Thứ nhất, phát triển hệ sinh thái công nghệ. Đây là giải pháp chính giúp các công ty bảo hiểm tối đa hóa lợi nhuận và mở rộng quy mô khi cần. Đó cũng là cách nhanh nhất để hiện thực hóa các con đường tạo ra giá trị gia tăng.
Thứ hai, tập trung gia tăng trải nghiệm khách hàng. Có tới 30% người tiêu dùng sẽ bỏ một thương hiệu đáng tin cậy sau một trải nghiệm tồi. Chính vì vậy, lời khuyên cho các hãng bảo hiểm là bắt đầu chuyển từ mô hình kinh doanh lấy chính sách làm trung tâm sang lấy khách hàng làm trung tâm.
Thứ ba, có chiến lược phản ứng nhanh trước rủi ro. Về bản chất, bảo hiểm là sản phẩm bảo vệ con người và doanh nghiệp trước rủi ro. Để thực hiện sứ mệnh này, các công ty bảo hiểm cần hiểu và chuẩn bị cho những gì sắp xảy ra hoặc có một hệ thống cho phép họ chuyển đổi linh hoạt.
Những rủi ro này đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải nhanh nhẹn, đi trước đối thủ cạnh tranh và hỗ trợ khách hàng tốt hơn.
BÀI HỌC CHO VIỆT NAM
Là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng vận động của kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, trong lĩnh vực bảo hiểm, hầu hết thị phần bảo hiểm nhân thọ và tái bảo hiểm của Việt Nam nằm trong tay các hãng bảo hiểm nước ngoài. Hiện, các doanh nghiệp bảo hiểm nội địa vẫn đang là lực lượng dẫn dắt mảng bảo hiểm phi nhân thọ, tuy nhiên, tiềm lực tài chính và trình độ quản trị còn thấp dẫn đến dễ tổn thương trước các rủi ro.
Theo Bộ Tài chính, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 79 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đang hoạt động (với tổng tài sản ước đạt 811.312 tỷ đồng, tăng 14,51% so với năm 2021. Trong đó, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 117.229 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 694.083 tỷ đồng.
Bên cạnh những rủi ro toàn cầu được đề cập ở trên, thị trường bảo hiểm Việt Nam còn chịu ảnh hưởng của điều kiện khí hậu ngày càng cực đoan và xu thế dân số già.
Để ứng phó với các thách thức hiện nay, doanh nghiệp bảo hiểm cần sớm lên kế hoạch đầu tư đúng mức đối với hệ thống quản trị doanh nghiệp nhằm nhận diện kịp thời các rủi ro.
Số lượng các doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tái bảo hiểm thực hiện đánh giá xếp hạng tín nhiệm còn thấp (8/52). Về quản lý tài chính, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước hiện nay vẫn áp dụng mô hình quản lý phi tập trung, phân cấp nhiều cho các chi nhánh, văn phòng đại diện tại các địa phương khác nhau trên toàn quốc, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
Liên quan tới trải nghiệm khách hàng, vấn đề nổi cộm trong ngành bảo hiểm khiến dư luận bức xúc trong những năm gần đây là chất lượng tư vấn của tư vấn viên và đại lý bảo hiểm. Theo các chuyên gia, thị trường Việt Nam cần xây dựng các chuẩn mực đạo đức hành nghề đối với đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cần chú trọng đúng mức việc nâng cao chất lượng hoạt động của kênh phân phối chứ không chỉ tập trung mở rộng mạng lưới. Các quy định pháp luật cũng cần hướng tới điều chỉnh đối với kênh phân phối mới; chấn chỉnh đối với doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm trong quản lý, sử dụng kênh phân phối bảo hiểm.
Để tạo niềm tin cho thị trường về kênh bảo hiểm, các doanh nghiệp cũng cần có chiến lược phát triển sản phẩm bảo hiểm bắt kịp với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin và xu thế phát triển kinh tế xanh trong tương lai; đồng thời, doanh nghiệp cần có năng lực về quản trị, hệ thống và tiềm lực tài chính.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số đặc biệt Xuân Quý Mão phát hành ngày 23-01-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam