Sự thú vị của thị trường chứng khoán chính là ở chỗ tin tốt đôi khi ra không đúng thời điểm lại phản tác dụng trở thành tin xấu. Động thái bất ngờ giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước hôm nay là một ví dụ điển hình. Thị trường phản ứng tích cực ngay lập tức chỉ số có lúc tăng mạnh lên 10 điểm nhưng tâm lý chốt lời ở ngưỡng kháng cự vẫn rất lớn, lại đúng phiên ETF cơ cấu danh mục, kết phiên Vn-Index giảm 1,75 điểm lùi về vùng giá 1.115 điểm. Số mã giảm vẫn áp đảo mã tăng với tỷ lệ 258 xanh/170 đỏ.
Lực bán chủ động áp đảo thanh khoản ba sàn tăng vọt lên ngưỡng 25.600 tỷ đồng, tiếp tục lập kỷ lục mới trong thời gian trở lại đây. Khối ngoại vẫn mua ròng mạnh 466 tỷ đồng chủ yếu gom VND, HPG, STB ở chiều ngược lại, cá nhân tiếp tục là bên xả ròng.
Bình luận về phiên giao dịch hôm nay, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty CP Chứng khoán Yuanta cho rằng, phản ứng của thị trường lần này khá giống với ba lần giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Quan sát cho thấy, lần thứ nhất Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, thị trường phản ứng tích cực trước đó 3 phiên, khi đủ T+ rồi thì quay đầu giảm. Lần giảm lãi suất thứ hai, biên độ thu hẹp còn khoảng 2 ngày tích cực trước đó, đến ngày lãi suất giảm thị trường điều chỉnh. Lần thứ ba VN-Index chỉ giao dịch tích cực trước đó một ngày sau đó điều chỉnh. Thú vị là trong lần giảm lãi suất điều hành lần thứ 4, Vn-Index điều chỉnh ngay trong phiên giao dịch.
"Thật ra tin lãi suất thị trường đã phong phanh từ hôm trước rồi do đó xuất hiện tin ra là bán", ông Minh nhấn mạnh. Quan trọng hơn cả, theo giám đốc phân tích của Yuanta, là sức ảnh hưởng của giảm lãi suất điều hành chưa tác động thực tới nền kinh tế hiện tại. Thực tế cho thấy, qua ba lần Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành song lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm không tương xứng.
Chi phí vốn của các ngân hàng hiện tại đang rất cao, do đó việc yêu cầu giảm lãi suất cho vay là khó khả thi. Đặc biệt trong điều kiện rủi ro kinh tế vẫn còn. Ngân hàng muốn cho vay sản xuất nhưng doanh nghiệp sản xuất lại không mặn mà. Trong khi đối tượng muốn được vay vốn nhất hiện tại là bất động sản thì ngân hàng lại không dám cho vay vì thanh khoản bất động sản chưa cải thiện.
"Tóm lại, tin giảm lãi suất không đủ mạnh nữa để tác động lên thị trường chứng khoán. Cộng với ảnh hưởng của phiên ETF cơ cấu danh mục nên nhà đầu tư đồng pha bán ra ào ào", ông Minh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp cho rằng phiên hôm nay chủ yếu do ETF review, hoạt động cơ cấu danh mục của một số quỹ liên quan các mã như NVL, VIC, VIX nên có thể chỉ là tín hiệu nhiễu. Tuy nhiên, mức độ nhiễu không quá lớn, về cơ bản thị trường vẫn kết thúc tốt đẹp, VN-Index sẽ sớm vượt 1.125 điểm một cách thuyết phục.
Phiên giao dịch trước đó, thị trường đón tin FED quyết định giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 6 này, nhưng chứng khoán Việt Nam phản ứng rất yếu ớt, thậm chí nỗ lực kéo trụ cuối ngày vẫn không thể đưa VN-Index vượt được tham chiếu.
Nguyên nhân được cho rằng, dù giữ nguyên lãi suất ở mức 5-5,25% sau 10 lần nâng liên tiếp, dự báo lãi suất cập nhật của Fed nghiêng về cứng rắn. Dự báo “dot plot” cho thấy các thành viên FOMC kỳ vọng lãi suất nhất định còn tăng, với mức dự báo bình quân là lãi suất quỹ liên bang sẽ đạt mức 5,6% vào cuối năm nay.
Bước nhảy lãi suất hiện nay của Fed là 0,25 điểm phần trăm mỗi lần nâng, nên mức lãi suất dự báo nói trên đồng nghĩa Fed còn 2 lần nâng lãi suất nữa trong 4 cuộc họp còn lại của năm nay. Một báo cáo của ngân hàng Bank of America sau cuộc họp Fed dự báo rằng Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 7 và tháng 9.
“Một số người đã kỳ vọng rằng Fed sẽ dừng tăng lãi suất trong lần họp này và sẽ không tăng lãi suất thêm nữa. Tuy nhiên, có vẻ như các thành viên FOMC đã trở nên cứng rắn hơn so với lần họp trước, và tôi nghĩ rằng điều này khiến nhà đầu tư ngạc nhiên”, chiến lược gia trưởng Sam Stovall của CFRA Research nhận định với hãng tin Reuters.